THỰC TIỄN ÁP DỤNG ĐIỀU 6 CÔNG ƯỚC VIÊN NĂM 1980 VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
CISG lại không quy định cụ thể về cách thức loại trừ áp dụng Công ước theo quy định tại Điều 6, dẫn đến những tranh luận về việc loại trừ áp dụng CISG phải thể hiện trực tiếp/rõ ràng (explicitly excluded) hay có thể thỏa thuận gián tiếp/ngụ ý (impliedly excluded) rằng các bên có ý muốn loại trừ CISG.
THỰC TIỄN ÁP DỤNG ĐIỀU 6 CÔNG ƯỚC VIÊN NĂM 1980 VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
ThS. Tào Thị Huệ*
ThS. Nguyễn Quang Anh**
Tóm tắt: Điều 6 Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) cho phép các doanh nghiệp thỏa thuận loại trừ áp dụng toàn bộ Công ước hoặc loại trừ áp dụng, sửa đổi các điều khoản cụ thể của Công ước trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của họ. Tuy nhiên, CISG lại không quy định cụ thể về cách thức loại trừ áp dụng Công ước này. Vì vậy, bài viết sau đây nghiên cứu các án lệ liên quan tới Điều 6 CISG, trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam khi muốn áp dụng quy định này.
Từ khóa: loại trừ áp dụng CISG, điều 6, thỏa thuận, doanh nghiệp Việt Nam
Abstract: Article 6 of the Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG) allows enterprises to entirely exclude the application of the Convention and to derogate from some of its provisions. However, such practices are not expressly demonstrated in the wording of the Convention. This article would study case law related to Article 6 CISG and propose some recommendations for Vietnamese enterprieses to effectively employ this provision.
Keywords: exclude the application of the CISG, article 6, agreement, Vietnamese enterprisess
- Quy định về loại trừ áp dụng CISG đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
CISG là chữ viết tắt theo tiếng Anh của Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods). CISG được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL). Công ước này đã có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 01/01/2017.[1]
Việc Việt Nam gia nhập CISG sẽ giúp thương nhân tiết giảm chi phí trong việc đàm phán lựa chọn pháp luật áp dụng của hợp đồng, cũng như hỗ trợ giải quyết các tranh chấp liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế giữa các bên có trụ sở tại các nước thành viên khác nhau của Công ước. CISG giúp cân bằng lợi ích giữa các thương nhân tại các quốc gia khác nhau, bởi các quy định trong CISG trung lập và khách quan hơn so với pháp luật quốc gia, đồng thời không tạo ra “lợi thế sân nhà” cho một trong hai bên. CISG sẽ trở thành luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa các thương nhân trong 2 trường hợp sau:
(1) Khi các bên có trụ sở thương mại ở các quốc gia là thành viên Công ước (Điều 1.1.a CISG);
(2) Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật áp dụng là luật của nước thành viên CISG (Điều 1.1.b CISG). Lưu ý là chỉ có thể áp dụng quy định này tại các quốc gia thành viên CISG chưa đưa ra tuyên bố bảo lưu Điều 1.1.b theo Điều 95 CISG.Tuy nhiên, thương nhân Việt Nam cần lưu ý rằng: ngay cả khi các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thuộc trường hợp áp dụng CISG thì họ vẫn có quyền thỏa thuận loại trừ hiệu lực của Công ước này theo quy định tại Điều 6 CISG. Điều 6 CISG quy định: “Các bên có thể loại bỏ việc áp dụng Công ước này hoặc với điều kiện tuân thủ điều 12, có thể làm trái với bất cứ điều khoản nào của Công ước hay sửa đổi hiệu lực của các điều khoản đó”. Theo quy định này, CISG cho phép thương nhân có quyền:[2]
(1) Thỏa thuận loại trừ việc áp dụng toàn bộ Công ước; hoặc
(2) Thỏa thuận không áp dụng, hay sửa đổi bất kỳ điều khoản nào của Công ước, với điều kiện tuân thủ Điều 12 CISG.[3]
Quy định này của CISG bắt nguồn từ nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực hợp đồng thương mại quốc tế: Nguyên tắc tự do hợp đồng.[4] Cụ thể, theo nguyên tắc này, các bên có quyền tự do thỏa thuận về các nội dung trong hợp đồng, bao gồm cả pháp luật áp dụng.[5] Hơn ai hết, các bên trong hợp đồng hiểu rõ những điều khoản nào là phù hợp nhất đối với lợi ích của họ. Do đó, luật áp dụng cho hợp đồng sẽ chỉ có vai trò “lấp đầy lỗ hổng” – điều chỉnh những gì mà các bên không thỏa thuận. Một khi các bên có thỏa thuận mà nội dung của thỏa thuận đó trái với luật áp dụng cho hợp đồng, thỏa thuận của các bên sẽ có giá trị pháp lý cao hơn (trừ khi thỏa thuận đó trái với những quy định bắt buộc của pháp luật).[6]
Ngoài ra, CISG lại không quy định cụ thể về cách thức loại trừ áp dụng Công ước theo quy định tại Điều 6, dẫn đến những tranh luận về việc loại trừ áp dụng CISG phải thể hiện trực tiếp/rõ ràng (explicitly excluded) hay có thể thỏa thuận gián tiếp/ngụ ý (impliedly excluded) rằng các bên có ý muốn loại trừ CISG.[7] Trong thống kê tại Hệ thống dữ liệu CISG online của Viện Luật thương mại quốc tế (IICL) thuộc Đại học luật Pace (Hoa Kỳ), số vụ tranh chấp áp dụng Điều 6 CISG là 177 vụ.[8] Thực tiễn giải quyết tranh chấp Điều 6 CISG có thể giúp làm sáng tỏ cách thức áp dụng quy định này, mang lại nhiều kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng quy định này trong hợp đồng của mình.
- Thỏa thuận loại trừ việc áp dụng toàn bộ CISG đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Việc loại trừ áp dụng CISG không thể diễn ra đơn phương mà cần phải có sự đồng thuận từ các bên trong hợp đồng.[9] Việc loại trừ có thể được thực hiện trực tiếp thông qua một điều khoản loại trừ, hoặc gián tiếp thông qua điều khoản chọn luật áp dụng của các bên.
2.1. Thỏa thuận trực tiếp loại trừ việc áp dụng CISG
Các thương nhân có thể trực tiếp loại trừ việc áp dụng CISG bằng một điều khoản trong hợp đồng là CISG sẽ không áp dụng cho hợp đồng của họ. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, có hai trường hợp xảy ra:[10]
(1) Thứ nhất, các bên thỏa thuận là CISG sẽ không áp dụng cho hợp đồng của họ, đồng thời, lựa chọn luật áp dụng thay thế cho CISG.
(2) Thứ hai, các bên loại trừ việc áp dụng CISG nhưng không lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng.
Trong trường hợp thứ nhất, thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thấy một số cách thức diễn đạt sau đây được công nhận là thỏa thuận trực tiếp loại trừ việc áp dụng CISG:
– Một là, CISG bị loại trừ trong điều khoản lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng
Trong hợp đồng giữa bên bán (Đức) và bên mua (Australia) trong vụ Venter v Ilona MY Ltd.; Ilona MY Ltd v MD Engineering Gesellschaft mit bescharanker Haftung, [11] các bên có thỏa thuận:“Luật pháp của Cộng hòa Liên bang Đức sẽ được áp dụng. Việc áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ngày 11/04/1980 (CISG, Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) sẽ bị loại trừ.” Ý chí của các bên về việc loại trừ CISG được thể hiện rõ ràng trong trường hợp này. Do đó, thỏa thuận được Tòa án chấp nhận và luật áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng sẽ là luật do các bên thỏa thuận lựa chọn.
– Hai là, dẫn chiếu đến hợp đồng mẫu, trong hợp đồng mẫu có điều khoản loại trừ CISG
Trong vụ Grain case, [12] hợp đồng mua bán ngũ cốc giữa bên bán (Belize) và bên mua (Áo) có thỏa thuận luật điều chỉnh hợp đồng này là luật của Cộng hòa Liên Bang Nga. Tuy nhiên, các điều khoản khác trong hợp đồng này lại dẫn chiếu đến hợp đồng mẫu về mua bán ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi số 78 (Hợp đồng GAFTA 78). Theo Điều 25 của Hợp đồng GAFTA 78, CISG sẽ không được áp dụng. Do đó, theo Điều 6 CISG, hội đồng Trọng tài thương mại quốc tế tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga cho rằng CISG sẽ không được áp dụng cho hợp đồng giữa các bên.
Với trường hợp thứ hai, các bên chỉ thỏa thuận trong hợp đồng về việc loại trừ áp dụng CISG nhưng không lựa chọn luật áp dụng. Trong vụ Vegetable fats case, [13] hợp đồng giữa bên bán (Serbia) và bên mua (Macedonia) có thỏa thuận “Công ước Viên của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán sản phẩm quốc tế (CISG) sẽ không được áp dụng cho hợp đồng này”. Trọng tài giải quyết tranh chấp là Trọng tài Ngoại thương thuộc Phòng thương mại quốc tế Serbia cho rằng: Mặc dù các bên không ghi chính xác tên của CISG, cũng không lựa chọn luật áp dụng cụ thể, nhưng đã thể hiện rõ ý chí loại trừ áp dụng Công ước. Do đó, Trọng tài không áp dụng CISG để giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Với những trường hợp các bên chỉ loại trừ CISG mà không lựa chọn luật áp dụng, các quy phạm xung đột trong pháp luật của nước nơi giải quyết tranh chấp sẽ được áp dụng để xác định luật điều chỉnh hợp đồng này.[14]
2.2. Thỏa thuận gián tiếp/ngụ ý loại trừ việc áp dụng CISG
Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến Điều 6 CISG cho thấy các bên trong hợp đồng có thể gián tiếp loại trừ việc áp dụng CISG. Trong trường hợp đó, hai loại thỏa thuận sau đây thường được cơ quan giải quyết tranh chấp xem xét có là thỏa thuận gián tiếp/ngụ ý loại trừ CISG hay không:[15]
(1) Trường hợp 1, thỏa thuận chọn luật của một quốc gia thành viên CISG là luật áp dụng cho hợp đồng;
(2) Trường hợp 2, thỏa thuận chọn luật của một quốc gia không phải thành viên CISG là luật áp dụng cho hợp đồng.
Với trường hợp 1, có nhiều án lệ thể hiện quan điểm của cơ quan giải quyết tranh chấp với trường hợp này. Cụ thể, trong vụ tranh chấp Agricultural products and cereals case[16] giữa người bán (Serbia) và người mua (Bosnia & Herzegovina), các bên thỏa thuận luật áp dụng cho hợp đồng là luật của Serbia. Theo Tòa trọng tài Ngoại thương thuộc Phòng Thương mại Serbia, dù các bên đã chọn luật áp dụng cho hợp đồng là luật Serbia, nhưng vẫn có cơ sở để áp dụng CISG do: (i) cả Serbia và Bosnia & Herzegovina đều là thành viên của CISG, và (ii) CISG là một bộ phận của pháp luật Serbia. Hội đồng trọng tài cũng đưa ra quan điểm rằng nếu các bên muốn loại trừ áp dụng CISG thì phải thể hiện rõ ý chí đó trong hợp đồng, ví dụ như lựa chọn áp dụng pháp luật của một quốc gia không phải thành viên CISG. Quan điểm tương tự cũng được các cơ quan giải quyết tranh chấp đưa ra trong các vụ Auto Case giữa người bán Áo và người mua Đức,[17] vụ Ostroznik Savo v. La Faraona soc. coop. a.r.l. giữa người mua Slovenia và người bán Italia.[18]
Trong vụ Boiler case,[19] người bán (Áo) và người mua (Đức) thỏa thuận rằng hợp đồng của họ sẽ được điều chỉnh bởi “pháp luật Áo”. Trong vụ kiện này, Tòa án tối cao Áo đã nhận định rằng điểm mấu chốt trong việc loại trừ áp dụng CISG là các bên phải thỏa thuận áp dụng luật nội địa của quốc gia đó (ví dụ như Bộ luật Dân sự Áo). Việc dẫn chiếu tới “pháp luật Áo” nói chung là không đủ để cho thấy các bên có ý chí loại trừ việc áp dụng CISG. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, “pháp luật Áo” sẽ bao gồm cả CISG.
Trong vụ tranh chấp Coke case,[20] người bán (Hà Lan) và người mua (Hoa Kỳ) thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng là “pháp luật Thụy Sĩ”. Trong quá trình xét xử, trọng tài ICC kết luận: (i) CISG là một phần của pháp luật Thụy Sĩ, (ii) CISG đảm bảo tính trung lập và cân bằng quyền lợi của các bên, và (iii) Các bên đã thỏa thuận là chọn “pháp luật Thụy Sĩ” chứ không phải là một luật nội địa cụ thể của Thụy Sĩ. Do đó, trọng tài ICC đã quyết định chọn CISG là luật áp dụng cho hợp đồng.
Đồng quan điểm với các cơ quan giải quyết tranh chấp trong các án lệ trên, nhiều học giả cũng có quan điểm rằng việc lựa chọn pháp luật quốc gia thành viên là không đủ để cho thấy các bên có ý chí loại trừ CISG. Khi một quốc gia phê chuẩn CISG, Công ước này sẽ trở thành một phần không thể tách rời của pháp luật quốc gia đó. Do đó, dẫn chiếu tới pháp luật quốc gia thành viên cũng là dẫn chiếu tới CISG.[21] Ngược lại, một số học giả, như Walter A. Stoffel và Lajos Vekas lai cho rằng việc các bên lựa chọn pháp luật của quốc gia thành viên là đủ để chứng minh ý chí loại trừ việc áp dụng CISG, vì nếu thực sự các bên có ý định áp dụng Công ước này thì họ đã không đưa điều khoản chọn luật quốc gia vào trong hợp đồng.[22]
Với trường hợp thứ hai, thỏa thuận chỉ định rõ luật áp dụng trong hợp đồng là luật của nước không phải thành viên CISG thường được công nhận là thỏa thuận loại trừ CISG.[23] Đây là quan điểm của nhiều cơ quan giải quyết tranh chấp khi xem xét có thỏa thuận chọn luật của các bên có ngụ ý loại trừ CISG hay không. Trước hết, trong vụ tranh chấp Agricultural products and cereals case đã nêu ở trên, Tòa trọng tài Ngoại thương thuộc Phòng Thương mại Serbia đã đưa ra quan điểm: lựa chọn áp dụng pháp luật của một quốc gia không phải thành viên CISG được coi là thỏa thuận loại trừ áp dụng CISG. Tương tự, trong các vụ Auto Case giữa người bán Áo và người mua Đức, vụ Ostroznik Savo v. La Faraona soc. coop. a.r.l. giữa người mua Slovenia và người bán Italia, cơ quan giải quyết tranh chấp đều từ chối không chấp nhận việc loại trừ CISG, và nhận định chỉ khi các bên lựa chọn luật của nước không phải thành viên CISG hoặc là bộ luật cụ thể của một nước thành viên CISG (như Bộ luật Dân sự Ý) thì mới được coi là ngụ ý loại trừ CISG.
- Thỏa thuận không áp dụng điều khoản cụ thể của CISG trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Điều 6 CISG quy định thương nhân có quyền thỏa thuận không áp dụng, hay sửa đổi bất kỳ điều khoản nào của Công ước, với điều kiện họ phải tuân thủ Điều 12 CISG. Như vậy, theo Điều 6 CISG, Điều 12 CISG là hạn chế duy nhất đối với quyền tự do loại trừ hay sửa đổi quy định cụ thể của CISG.[24] Các điều khoản khác trong CISG đều có thể được các bên thỏa thuận không áp dụng hoặc tự ý sửa đổi.[25]
Đối với hạn chế tại Điều 12 CISG, cần lưu ý những vấn đề pháp lý sau:
(1) Thứ nhất, về đối tượng áp dụng:
Hạn chế theo Điều 12 CISG chỉ áp dụng với hợp đồng mua bán hàng hóa mà ít nhất một trong các bên có trụ sở đặt tại một nước ký kết đã tuyên bố bảo lưu theo Điều 96 của Công ước. Điều này đồng nghĩa với hạn chế về Điều 12 CISG sẽ không áp dụng với những hợp đồng giữa các bên đều có trụ sở tại các nước ký kết không tuyên bố bảo lưu theo Điều 96 CISG.
(2) Thứ hai, về nội dung:
Điều 12 CISG cho phép các quốc gia thành viên bảo lưu quy định rằng “hợp đồng mua bán, việc thay đổi hoặc đình chỉ hợp đồng theo sự thỏa thuận của các bên, hoặc chào hàng và chấp nhận chào hàng, hay bất kỳ sự thể hiện ý chí nào của các bên” phải được lập thành văn bản hoặc những hình thức tương đương.[26] Trong trường hợp đó, các thương nhân không được tự ý sửa đổi quy định tại điều 12 CISG để cho phép việc xác lập, sửa đổi và chấm dứt hợp đồng bằng những hình thức phi văn bản (như lời nói hoặc hành vi). Còn các thông báo khác giữa các bên, như các thông báo liên quan đến việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng (theo Điều 47 hoặc Điều 63), thông báo về sự không phù hợp của hàng hóa (Điều 39) hoặc liên quan đến việc giảm giá (Điều 50) thì không phải tuân thủ hình thức văn bản.[27]
Trường hợp phổ biến nhất về sửa đổi các điều khoản của CISG là khi các bên áp dụng tập quán về giao nhận hàng hóa INCOTERMS, thường là điều kiện FOB, hoặc CIF. Khi đó, các vấn đề pháp lý về xác định nơi giao hàng hoặc thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa từ người bán sang người mua sẽ được xác định theo tập quán mà các bên đã chọn, chứ không áp dụng các quy định tương ứng của CISG (Điều 9 CISG).[28] Nguyên tắc này được thừa nhận rộng rãi trong thực tiễn xét xử của nhiều cơ quan giải quyết tranh chấp. Có thể kể đến vụ St. Paul Guardian Insurance Company et al. v. Neuromed Medical Systems & Support et al.,[29] trong tranh chấp này, mặc dù hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG, nhưng do hai bên đã thỏa thuận lựa chọn điều kiện CIF của INCOTERMS nên tòa án đã áp dụng tập quán này để xác định thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa từ người bán sang người mua. Tương tự, vụ Cedar Petrochemicals inc. v. Dongbu Hannong Chemical Ltd.,[30] trong hợp đồng hai bên lựa chọn điều kiện FOB của INCOTERMS, nên tòa án cũng áp dụng điều kiện này để xác định thời điểm chuyển rủi ro đối với hàng hóa từ người bán sang người mua.
Ngoài ra, trong thực tiễn một số vụ tranh chấp liên quan tới Điều 39,[31] Điều 55,[32] Điều 57[33] của CISG, các cơ quan giải quyết tranh chấp đều có chung quan điểm, trừ khi các bên có thỏa thuận rõ ràng về việc loại trừ những điều khoản này, các điều khoản này cũng sẽ được áp dụng khi CISG được áp dụng.
Tuy nhiên, việc xác định xem liệu ngoài Điều 12 CISG, còn có những hạn chế nào với quyền tự do thỏa thuận loại trừ của các bên hay không vẫn cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Theo UNCITRAL, mặc dù Công ước không quy định rõ ràng, nhưng các bên trong hợp đồng không thể loại trừ hiệu lực của 13 điều (từ Điều 89 đến Điều 101 CISG) tại Phần thứ tư – Những quy định cuối cùng của Công ước. Bởi vì, đây là những điều khoản quy định về các vấn đề liên quan đến các quốc gia ký kết chứ không phải các thương nhân.[34] Đặc biệt, trong vụ Ostroznik Savo v. La Faraona soc. coop. a.r.l,. [35] tòa án quận Padova (Italia) đã đưa ra một kết luận: hợp đồng giữa bên bán (trụ sở tại Slovenia) và bên mua (có trụ sở tại Ý) thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG theo quy định tại Điều 1.1.a CISG, nhưng các bên có quyền thỏa thuận sửa đổi các quy định không mang tính bắt buộc áp dụng (non-mandatory rules), ngoại trừ các Điều 12, 28 và từ Điều 89 đến 101 của CISG. Như vậy, theo tòa án này, Điều 28 của Công ước cũng không thể bị các bên thỏa thuận sửa đổi. [36] Điều này có thể là do đối tượng mà Điều 28 điều chỉnh là tòa án quốc gia, và việc áp dụng phụ thuộc vào pháp luật quốc gia, chứ không phải là quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
- Một số bình luận và khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam
Về nguyên tắc, sau khi gia nhập các điều ước quốc tế, Việt Nam sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.[37] Tuy nhiên, việc thực thi CISG có sự khác biệt, theo đó việc gia nhập CISG không đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước, mà CISG sẽ được áp dụng trực tiếp, bởi những nguyên nhân sau:
(1) Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 100 CISG, Công ước này áp dụng cho: (i) Việc ký kết các hợp đồng trong những trường hợp khi một đề nghị ký kết hợp đồng được đưa ra vào ngày Công ước bắt đầu có hiệu lực hoặc sau ngày đó đối với các quốc gia thành viên theo Điều 1.1.a hoặc đối với quốc gia thành viên theo Điều 1.1.b; (ii) Các hợp đồng được ký kết vào đúng ngày hoặc sau ngày Công ước bắt đầu có hiệu lực đối với các quốc gia thành viên theo Điều 1.1.a hoặc đối với quốc gia thành viên theo Điều 1.1.b.
(2) Thứ hai, nội dung các điều khoản trong CISG quy định trực tiếp quyền và nghĩa vụ của các thương nhân trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. CISG không quy định nghĩa vụ của Việt Nam với các nước thành viên khác, hay nghĩa vụ của Việt Nam đối với thương nhân, hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên CISG.
Do đó, CISG được áp dụng trực tiếp với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của thương nhân Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này. Doanh nghiệp Việt Nam không cần chờ đợi việc văn bản quy pháp pháp luật trong nước hướng dẫn thực thi CISG. Điều này đồng nghĩa với doanh nghiệp Việt Nam cũng có quyền áp dụng Điều 6 CISG để thỏa thuận loại trừ hiệu lực của toàn bộ Công ước hoặc những điều khoản cụ thể của Công ước.
Tình huống này cũng không hề mâu thuẫn với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Có thể thấy, các văn bản pháp luật chủ yếu của Việt Nam điều chỉnh lĩnh vực hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005. Mặc dù các luật này không có quy định về quyền thỏa thuận loại trừ hiệu lực điều ước quốc tế, nhưng căn cứ quy định tại:
(1) Điều 664 của Bộ luật Dân sự năm 2015, cho thấy: (i) Pháp luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ được xác định theo điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam (Khoản 1); (ii) Trường hợp điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam quy định các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng thì luật áp dụng được xác định theo lựa chọn của các bên (Khoản 2).
(2) Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định: Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp (khoản 1).
Theo đó, thỏa thuận loại trừ hiệu lực của CISG cũng là thỏa thuận về lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng, vì vậy, quy định tại Điều 6 của CISG sẽ được áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của thương nhân Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này.
Nhưng cũng chính vì pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định chi tiết về thực thi CISG nói chung và Điều 6 CISG nói riêng; Việt Nam chưa có án lệ liên quan đến Điều 6 CISG,[38]nên trên cơ sở nghiên cứu nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra những lưu ý sau đây:
(1) Thứ nhất, về điều khoản thỏa thuận loại trừ hiệu lực của toàn bộ Công ước:
Nếu hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG và các bên có ý muốn loại trừ CISG, thì cần lưu ý cả hai vấn đề sau: (i) cần nêu rõ CISG không được áp dụng cho hợp đồng này; (ii) thỏa thuận về nguồn luật cụ thể được lựa chọn để điều chỉnh nội dung hợp đồng. Bởi vì, chỉ dừng ở loại trừ CISG, khi tranh chấp xảy ra, luật được áp dụng sẽ phụ thuộc các quy phạm xung đột trong pháp luật của nước nơi giải quyết tranh chấp. Có thể tham khảo một điều khoản mẫu như:[39]
– “Các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng này sẽ không bị điều chỉnh bởi Công ướcViên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG); thay vào đó, các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi luật pháp của Bang Connecticut, bao gồm cả Bộ luật Thương mại Thống nhất được ban hành tại Connecticut”.
– “Hợp đồng này sẽ được điều chỉnh và hiểu theo luật của Liên bang Pennsylvania, không bao gồm Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)”.
(2) Thứ hai, về điều khoản thỏa thuận loại trừ hiệu lực, sửa đổi những điều khoản cụ thể của CISG
Việt Nam đã bảo lưu theo Điều 96 CISG, vì vậy, khi muốn thỏa thuận loại trừ hiệu lực, sửa đổi những điều khoản cụ thể của CISG, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý không thể loại trừ Điều 12 CISG. Nghĩa là hình thức của hợp đồng mua bán, thỏa thuận thay đổi hoặc đình chỉ hợp đồng, hoặc chào hàng và chấp nhận chào hàng, hay bất kỳ sự thể hiện ý chí nào của các bên đều phải chứng minh bằng hình thức văn bản. Ngoài ra, các điều khoản trong CISG không quy định trực tiếp quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng (như Điều 28, Điều 89-101) thì không thể bị loại trừ hoặc sửa đổi. Việc loại trừ, sửa đổi các điều khoản cụ thể của CISG có thể đạt được bằng cách quy định nội dung điều khoản hợp đồng khác với các điều khoản trong Công ước hoặc bằng cách nêu rõ điều khoản nào của Công ước sẽ không được áp dụng cho hợp đồng[40]./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bernard Audit, The Vienna Sales Convention and the Lex Mercatoria,http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/audit.html (truy cập ngày 20/3/2020).
- İbrahim GÜL, Freedom of Contract, Party Autonomy and Its Limit Under Cisg, Hacettepe Hukuk Fakültesi Dergisi (Ankara) 6(1), 2016, http://www.hukukdergi.hacettepe.edu.tr/dergi/C6S1makale4.pdf (truy cập ngày 20/3/2020).
- Franco Ferrari, Remarks on the UNCITRAL Digest’s Comments on Article 6 CISG, Journal of Law and Commerce, số 25, 2005.
- Fritz Enderlein, Dietrich Maskow, International Sales Law, Oceana Publications, New York, 1992.
- John O’Honnold, Uniform Law for International Sales Under the 1980 United Nations Convention, 3rd, Kluwer Law International, The Hague, 1999.
- Các án lệ về CISG: Pace Law School Institute of International Commercial Law, Article 6, 3,000 cases 10,000 case annotations, http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/digest-cases-06.html, (truy cập ngày 20/3/2020).
- Scoles, Eugene F./Hay, Peter/Borchers, Patrick J./Symeonides, Symeon C, Conflict of Laws, West Publishing Company, Minnesota, 2000.
- Schwenzer/Hachem, Commentary on the UN Convention for the International Sale of Goods (CISG), 4th ed, Oxford University Press, Oxford, 2016.
- Secretariat Commentary,Guide to CISG Article 39, https://cisgw3.law.pace.edu/cisg/text/secomm/secomm-39.html, (truy cập ngày 20/3/2020).
- UNCITRAL, UNCITRAL Digest of case law on the United Nations Convention on the International Sale of Goods, 2016 edition, https://www.uncitral.org/pdf/english/clout/CISG_Digest_2016.pdf (truy cập ngày 20/3/2020).
[1] Pace Law School Institute of International Commercial Law, Vietnam, https://www.cisg.law.pace.edu/cisg/countries/cntries-Vietnam.html (truy cập ngày 20/3/2020)
[2] UNCITRAL, UNCITRAL Digest of case law on the United Nations Convention on the International Sale of Goods, 2016 edition, p. 33 , https://www.uncitral.org/pdf/english/clout/CISG_Digest_2016.pdf (truy cập ngày 20/3/2020)
[3] Ðiều 12 quy định: “Bất kỳ quy định nào của điều 11, điều 29 hoặc phần thứ hai của Công ước này cho phép hợp đồng mua bán, việc thay đổi hoặc đình chỉ hợp đồng theo sự thỏa thuận của các bên hoặc đơn chào hàng và chấp nhận đơn chào hàng hay bất kỳ sự thể hiện ý chí nào của các bên được lập và không phải dưới hình thức văn bản mà dưới bất cứ hình thức nào sẽ không được áp dụng khi dù chỉ một trong số các bên có trụ sở thương mại đặt ở nước là thành viên của Công ước mà nước đó đã tuyên bố bảo lưu theo điều 96 của Công ước này. Các bên không được quyền làm trái với điều này hoặc sửa đổi hiệu lực của nó.”
[4] Secretariat Commentary, Guide to CISG Article 39, https://cisgw3.law.pace.edu/cisg/text/secomm/secomm-39.html, (truy cập ngày 20/3/2020)
[5] Scoles, Eugene F./Hay, Peter/Borchers, Patrick J./Symeonides, Symeon C, Conflict of Laws, West Publishing Company, Minnesota, 2000, trang 858
[6] John O’Honnold, Uniform Law for International Sales Under the 1980 United Nations Convention, 3rd ed., Kluwer Law International, The Hague, 1999, p. 47
[7] Pace Law School Institute of International Commercial Law, Use of the UNIDROIT Principles to help interpret CISG Article 6,http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/peclcomp6.html (truy cập ngày 20/3/2020)
[8] Pace Law School Institute of International Commercial Law, Article 6, 3,000 cases 10,000 case annotations, UNCITRAL Digest cases for Article 6 plus added cases for this Article,
http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/digest-cases-06.html, (truy cập ngày 20/3/2020)
[9] Netherlands 2 January 2007 Appellate Court ‘s-Hertogenbosch (G.W.A. Bernards v. Carstenfelder Baumschulen Pflanzenhandel GmbH), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/070102n1.html, (truy cập ngày 20/3/2020).
[10] UNCITRAL, TLĐD 2, p.33
[11] Supreme Court of New South Wales, Venter v Ilona MY Ltd; Ilona MY Ltd v MD Engineering Gesellschaft mit bescharänkter Haftung,
http://www8.austlii.edu.au/cgi-bin/viewdoc/au/cases/nsw/NSWSC/2012/1029.html?stem=0&synonyms=0&query=CISG, (truy cập ngày 20/3/2020). Nguyên văn trong hợp đồng là: “The law of the Federal Republic of Germany shall apply. The applicability of the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods of 11/04/1980 (CISG, Vienna Convention on International Sale of Goods) shall be excluded.”
[12] Russia 5 November 2004 Arbitration proceeding 164/2003 (Grain case), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/041105r1.html, (truy cập ngày 20/3/2020)
[13] Serbia 17 August 2009 Foreign Trade Court of Arbitration attached to the Serbian Chamber of Commerce (Vegetable fats case), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/090817sb.html, (truy cập ngày 20/3/2020). Nguyên văn trong câu thứ hai Điều 37 của hợp đồng quy định là: “United Nations Convention on contracts in international trade in products (CISG) shall not be applied”.
[14] UNCITRAL, TLĐD 2, p.33
[15] Như trên
[16] Serbia 6 May 2010 Foreign Trade Court attached to the Serbian Chamber of Commerce (Agricultural products and cereals case), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/100506sb.html (truy cập ngày 21/3/2020)
[17] Austria 23 January 2006 Oberlandesgericht [Appellate Court] Linz (Auto case), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/060123a3.html (truy cập ngày 20/3/2020)
[18] Italy 11 January 2005 District Court Padova (Ostroznik Savo v. La Faraona soc. coop. a.r.l.), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/050111i3.html (truy cập ngày 20/3/2020)
[19] Austria 2 April 2009 Supreme Court (Boiler case), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/090402a3.html (truy cập ngày 20/3/2020)
[20] ICC Arbitration Case No. 7565 of 1994 (Coke case), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/947565i1.html (truy cập ngày 20/3/2020)
[21] Schwenzer/Hachem, Commentary on the UN Convention for the International Sale of Goods (CISG), 4th ed, Oxford University Press, Oxford, 2016, p. 106; Fritz Enderlein, Dietrich Maskow, International Sales Law, Oceana Publications, New York, 1992, p. 49.
[22] Franco Ferrari, Remarks on the UNCITRAL Digest’s Comments on Article 6 CISG, Journal of Law and Commerce, số 25, 2005, p.24
[23] UNCITRAL, TLĐD 2, p.34
[24] İbrahim GÜL, Freedom of Contract, Party Autonomy and Its Limit Under Cisg, Hacettepe Hukuk Fakültesi Dergisi (Ankara) 6(1), 2016, p. 92, http://www.hukukdergi.hacettepe.edu.tr/dergi/C6S1makale4.pdf (truy cập ngày 20/3/2020)
[25] UNCITRAL, TLĐD 2, p.33
[26] Về hình thức văn bản CISG chỉ quy định: “Theo Công ước này, điện báo và telex cũng được coi là hình thức văn bản” (Ðiều 13).
[27] İbrahim GÜL, TLĐD 243, p.93
[28] Bernard Audit, The Vienna Sales Convention and the Lex Mercatoria, http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/audit.html (truy cập ngày 20/3/2020)
[29] United States 26 March 2002 Federal District Court [New York] (St. Paul Guardian Insurance Company et al. v. Neuromed Medical Systems & Support et al.), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/020326u1.html, (truy cập ngày 20/3/2020).
[30] United States 28 September 2011 Federal District Court [New York] (Cedar Petrochemicals inc. v. Dongbu Hannong Chemical Ltd.), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/110928u1.html, (truy cập ngày 20/3/2020).
[31] Germany 5 July 1994 District Court Giessen (Women’s clothes case), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/940705g1.html, (truy cập ngày 20/3/2020).
[32] France 26 April 1995 Appellate Court Grenoble (Alain Veyron v. Ambrosio), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/950426f1.html, (truy cập ngày 20/3/2020).
[33] Austria 10 November 1994 Supreme Court (Chinchilla furs case), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/941110a3.html, (truy cập ngày 20/3/2020).
[34] UNCITRAL, TLĐD 2, p.33
[35] Italy 11 January 2005 District Court Padova (Ostroznik Savo v. La Faraona soc. coop. a.r.l.), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/050111i3.html, (truy cập ngày 20/3/2020)
[36] Điều 28 quy định: “Nếu một bên có quyền yêu cầu bên kia phải thi hành một nghĩa vụ nào đó thì chiếu theo các quy định của Công ước này, Tòa án không bị bắt buộc phải đưa ra phán quyết buộc bên kia thực hiện thực sự hợp đồng trừ trường hợp nếu tòa án ra phán quyết đó trên cơ sở luật nước mình đối với các hợp đồng mua bán tương tự không do Công ước này điều chỉnh”.
[37] Khoản 4 Điều 76 Luật Điều ước quốc tế 2016
[38] Việt Nam mới có 1 án lệ liên quan đến CISG được thống kê, nhưng không áp dụng Điều 6 CISG: VỤ People’s Supreme Court in Ho Chi Minh City 5 April 1996, 28/KTPT (Ng Nam Bee Pte Ltd. v. Tay Ninh Trade Co.). Arts. 8, 29, 53, 61(3), 64(1), http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/casecit.html#vietnam (truy cập ngày 20/3/2020)
[39] Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo một số điều khoản mẫu về vấn đề này trong Peter Winship, Changing Contract Practices in the Light of the United Nations Sales Convention: A Guide for Practitioners, http://cisgw3.law.pace.edu/cisg/biblio/winship.html (truy cập ngày 20/3/2020)
[40] Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo một số điều khoản mẫu về vấn đề này trong John P. McMahon, Drafting CISG Contracts and Documents and Compliance Tips for Traders, https://iicl.law.pace.edu/cisg/page/guide-managers-and-counsel-drafting-cisg-contracts-and-documents (truy cập ngày 20/3/2020)
Tác giả:
Tào Thị Huệ – Giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, và
Nguyễn Quang Anh – Giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Bài viết được đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11/2020, trang 76-84