Án lệ của CISG trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban Trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (CIETAC)
CISG còn được tòa án và trọng tài Trung Quốc sử dụng rộng rãi để giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực ngoại thương một cách nhanh chóng và hợp lý. Các phán quyết của trọng tài liên quan đến CISG được biết đến chủ yếu là phán quyết của Ủy ban Trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (China International Economic and Trade Arbitration Commission - CIETAC).
Án lệ của CISG trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban Trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (CIETAC)
1. Tổng quan về giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo CISG tại CIETAC
CISG có hiệu lực với Trung Quốc từ ngày 01/1/1988.[1] Theo nhận định của nhiều nhà phân tích thì CISG đã phát huy vai trò rất tích cực để thúc đẩy hoạt động ngoại thương của Trung Quốc. Vai trò này được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, thời kỳ phát triển mạnh mẽ hoạt động ngoại thương của Trung Quốc. Một mặt, các nhà kinh doanh Trung Quốc có một nguồn luật đã được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới để áp dụng vào hợp đồng ký với đối tác nước ngoài. Mặt khác, các đối tác nước ngoài cũng tin tưởng và yên tâm hơn khi làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc vì Công ước này đã được chấp nhận ở Trung Quốc. Số lượng các hợp đồng trong đó các bên lựa chọn CISG là luật áp dụng ngày càng gia tăng[2]. Đồng thời, CISG còn được tòa án và trọng tài Trung Quốc sử dụng rộng rãi để giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực ngoại thương một cách nhanh chóng và hợp lý. Các phán quyết của trọng tài liên quan đến CISG được biết đến chủ yếu là phán quyết của Ủy ban Trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (China International Economic and Trade Arbitration Commission – CIETAC).
* Công bố các án lệ về CISG của CIETAC
Hầu hết các trung tâm trọng tài trên thế giới thường không công khai hoặc hiếm khi công khai các phán quyết. Nhưng, CIETAC lại công bố rộng rãi các phán quyết giải quyết tranh chấp của mình. Tuy nhiên, họ vẫn tuân thủ nguyên tắc bảo mật, trước khi công bố, tất cả các phán quyết của CIETAC đều được chỉnh sửa, tránh việc người đọc có thể tự xác định được danh tính các bên tranh chấp. Đồng thời, như một quy tắc chung, những phán quyết đã ban hành được đủ ba năm, thì CIETAC mới cho phép công bố. Có thể nói, “CIETAC là một trong những trung tâm trọng tài đi đầu về việc minh bạch các phán quyết, theo nghĩa, CIETAC đã chia sẻ với cộng đồng thương mại thế giới những văn bản đầy đủ của phán quyết liên quan đến luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thống nhất, nhiều hơn bất kỳ một tổ chức trọng tài nào khác”.[3]
Trên trang http://cisgw3.law.pace.edu/, số phán quyết của CIETAC liên quan đến CISG đã được tập hợp và thống kê lên đến 321 phán quyết.[4] Tuy nhiên, không phải toàn bộ những phán quyết này đều được coi là án lệ của CISG.
Ban thư ký của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) đã xây dựng một hệ thống lưu trữ và phổ biến thông tin về các phán quyết của toà án và trọng tài liên quan đến CISG nói riêng và các Công ước, Luật mẫu do UNCITRAL soạn thảo nói chung. Các phán quyết của toà án và trọng tài liên quan đến CISG được tập hợp trong hệ thống này được coi là án lệ của CISG (CLOUT).[5] Mục tiêu chính của hệ thống lưu trữ này là tạo điều kiện cho việc giải thích và áp dụng thống nhất các quy định của CISG.[6] Theo thống kê của Ban thư ký UNCITRAL, trong tổng số 94 án lệ về CISG của cả tòa án và trọng tài Trung Quốc, CIETAC đã ban hành được 81 án lệ, liên quan 92 điều khoản trong CISG.[7]
* Các vấn đề tranh chấp và điều khoản chủ yếu được sử dụng để tranh chấp:
Các điều khoản được sử dụng để giải quyết tranh chấp nằm rải rác từ Điều 1 đến Điều 96 CISG. Song, tập trung vào những điều khoản sau:[8]
– Điều 1 (10 case(s)), Điều 1.1.a (20 case(s)) về phạm vi áp dụng CISG;
– Điều 8 (12 case(s)) về giải thích hợp đồng;
– Điều 35 (16 case(s)) về nghĩa vụ giao hàng đúng số lượng, chất lượng của bên bán;
– Điều 38 (12 case(s)) về nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa của bên mua;
– Điều 45 (10 case(s)) về quyền áp dụng các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng của bên mua;
– Điều 53 (15 case(s)) về nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng của bên mua;
– Điều 74 (57 case(s)) về xác định tiền bồi thường thiệt hại;
– Điều 75 (23 case(s)) về yêu cầu bồi thường phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá mua thế hay bán lại hàng khi hủy hợp đồng;
– Điều 77 (29 case(s)) về nghĩa vụ hạn chế tổn thất do bị vi phạm hợp đồng;
– Điều 78 (41 case(s)) về tiền lãi tính trên số tiền chậm trả.
2. Nguyên tắc giải thích và áp dụng quy định của CISG trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại CIETAC[9]
Các án lệ của CISG hình thành trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại CIETAC phải tuân theo 3 nguyên tắc về giải thích và áp dụng quy định của CISG như sau:
– Thứ nhất, tuân thủ nguyên tắc thiện chí (Good faith)
Việc giải thích từng điều khoản CISG phải tuân theo quy định tại Ðiều 7.1. Điều khoản này yêu cầu: “1. Khi giải thích Công ước này, cần chú trọng đến tính chất quốc tế của nó, đến sự cần thiết phải hỗ trợ cho việc áp dụng thống nhất Công ước và tuân thủ trong thương mại quốc tế”. Điều đó có nghĩa là, các bên tranh chấp, hay cơ quan giải quyết tranh chấp có quyền tự giải thích quy định của Công ước này, nhưng phải lưu ý đến tính chấp quốc tế của CISG, và phải đảm bảo CISG được áp dụng một cách thống nhất. Đồng thời, Điều 7.1 cũng yêu cầu các bên phải tuân thủ “nguyên tắc thiện chí” trong thương mại quốc tế khi giải thích CISG.[10]
Thực tế tại CIETAC, nguyên tắc thiện chí lại chưa được viện dẫn để giải thích và áp dụng CISG, mà việc tuân thủ nguyên tắc này là một yêu cầu đối với các bên khi thực hiện hợp đồng.[11]
– Thứ hai, nhằm bổ sung cho “lỗ hổng” của chính CISG (Gap filling)
CISG không quy định chi tiết mọi vấn đề liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Vì vậy, những vấn đề này cần được giải thích theo quy định tại Điều 7.2 CISG: Các vấn đề liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Công ước này mà không quy định cụ thể trong Công ước, thì sẽ được giải quyết theo các nguyên tắc chung mà từ đó Công ước được hình thành, hoặc nếu không có các nguyên tắc này, thì căn cứ theo luật áp dụng được lựa chọn theo quy tắc của tư pháp quốc tế.
– Thứ ba, căn cứ vào tập quán thương mại quốc tế (Usage and practices)
Điều 9.1 CISG quy định: “Các bên bị ràng buộc bởi tập quán mà họ đã thỏa thuận và bởi các thực tiễn giao dịch đã được họ tự thiết lập”. Do đó, việc giải thích để áp dụng CISG cũng cần căn cứ vào tập quán thương mại quốc tế. Song, những tập quán được sử dụng phải là: những tập quán có tính chất phổ biến trong thương mại quốc tế và được các bên áp dụng một cách thường xuyên đối với hợp đồng cùng chủng loại trong lĩnh vực buôn bán liên quan để điều chỉnh hợp đồng của mình hoặc điều chỉnh việc ký kết hợp đồng đó (Điều 9.2 CISG). Thực tế, các tập quán như INCOTERMS và UCP thường được các trọng tài áp dụng.
3. Án lệ liên quan đến một số quy định cụ thể của CISG trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại CIETAC
3.1. Xác định phạm vi áp dụng của CISG theo Điều 1 CISG
Trong lĩnh vực hợp đồng thương mại quốc tế, quyền tự do thỏa thuận của các bên luôn được tôn trọng. Do đó, CIETAC sẽ tôn trọng quyền lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng của các bên, cho dù thỏa thuận đó được ghi trong hợp đồng hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Nếu họ chọn CISG là luật điều chỉnh, thì CIETAC cũng sẽ áp dụng CISG, kể cả khi không rơi vào trường hợp quy định tại Điều 1.1.a CISG.
Ví dụ, trong vụ Polypropylene case, tranh chấp phát sinh giữa người bán (Trung Quốc) và người mua (Nhật Bản) năm 1997. Mặc dù, không quy định lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng, nhưng khi giải quyết tranh chấp, cả hai đều viện dẫn luật trong nước của Trung Quốc (PRC) và CISG. Do đó, CIETAC đã áp dụng PRC và CISG, cho dù Nhật Bản lúc đó chưa là thành viên của CISG.[12] Tình huống tương tự lặp lại trong vụ Dioctyl phthalate case, tranh chấp giữa người mua (Trung Quốc) và người bán (Hàn Quốc) năm 1996, vào thời điểm Hàn Quốc chưa gia nhập CISG.[13]
Đặc biệt, với trường hợp các thương nhân có trụ sở tại Hồng Kông: trước ngày 01/7/1997, Hồng Kông thuộc quyền kiểm soát của Vương quốc Anh (không phải là thành viên CISG). Từ ngày 01/7/1997, Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, nhưng Hồng Kông vẫn giữ sự tự do nhất định trong việc áp dụng các điều ước quốc tế do Trung Quốc tham gia.[14] Hồng Kông có thể không được coi là một khu vực của một nước thành viên CISG. Và thực tế giải quyết tranh chấp tại CIETAC, CISG được áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa thương nhân tại Trung Quốc đại lục với thương nhân tại Hồng Kông; thậm chí, giữa hai thương nhân đều có trụ sở tại Hồng Kông, nếu các hai bên chọn CISG là luật áp dụng. Ví dụ, trong vụ Antimony ingot case, tranh chấp giữa người bán (Trung Quốc đại lục) với người mua (Hồng Kông), CIETAC xác định luật áp dụng như sau: Mặc dù các bên không quy định luật áp dụng trong hợp đồng. Nhưng trong đơn kiện gửi trọng tài của nguyên đơn và bản tự bảo vệ của bị đơn, CISG được đề cập đến như là cơ sở để khẳng định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Do đó, trọng tài cho rằng, các bên đã đạt được thoả thuận về luật áp dụng trong quá trình tố tụng trọng tài, và CISG được áp dụng để xử lý vụ tranh chấp này.[15]
3.2. Tính phù hợp hàng hóa theo Điều 35 CISG
Theo Điều 35.1 CISG, người bán có nghĩa vụ giao hàng đúng số lượng, chất lượng, theo mô tả trong hợp đồng, và đúng yêu cầu của hợp đồng về bao bì hay đóng gói. Tại CIETAC, hàng hóa được xác định là phù hợp với quy định của hợp đồng là:
(1) Nếu hợp đồng quy định một mẫu hàng hoá (a sample of goods) đã được chấp nhận và xác nhận bởi các bên, thì hàng hoá phải có các phẩm chất của mẫu hàng hóa đó.[16] Trong trường hợp, các bên không thỏa thuận về mẫu hàng hóa, trọng tài sẽ sử dụng các tiêu chí nêu trong Điều 35.2.a của CISG:[17] “Hàng hóa không thích hợp cho các mục đích sử dụng mà các hàng hóa cùng loại vẫn thường đáp ứng”.
(2) Khi sử dụng Điều 35.2.a, trọng tài còn có thể căn cứ vào một số tiêu chuẩn chất lượng nhất định để xác định tính phù hợp của hàng hóa. Trong vụ Heliotropin case, tranh chấp giữa người bán Trung Quốc và người mua Hoa Kỳ, trọng tài cho rằng tính phù hợp của hàng hoá được xác định không chỉ căn cứ theo hợp đồng, mà còn phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn ngành được công bố tại nơi xuất xứ của hàng hoá, với chất lượng của hàng hóa đã được nhà sản xuất công bố.[18]
Related Posts