Áp dụng PICC, PECL và CISG trong giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
Bộ nguyên tắc về Luật Hợp đồng Châu Âu (PECL), Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004, Luật mẫu UNCITRAL về chuyển tín dụng quốc tế năm 1992 được áp dụng với tư cách là Lex mercatoria.
Áp dụng PICC, PECL và CISG trong giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
Nguyên đơn, một công ty của Ý, đã ký hợp đồng với Bị đơn, một công ty của Serbia, để mua đường tinh thể trắng có nguồn gốc từ Serbia, thu hoạch năm 2002. Bên cạnh các chứng từ khác liên quan đến hàng hóa, Bị đơn được yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ của hàng hóa (EUR 1) để được Cục Quản lý Hải quan Cộng hòa Serbia cấp, làm bằng chứng về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Sau khi đã giao ¾ số lượng đường cùng giấy chứng nhận xuất xứ, thì Bị đơn không còn có thể cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với số hàng còn lại. Bởi, sau khi có kết luận kiểm tra của Cơ quan phòng chống gian lận châu Âu, Cơ quan Hải quan Cộng hoà Serbia đã thu hồi các chứng chỉ EUR 1 mà nó đã cấp trước đó. Vì đường do Bị đơn xuất khẩu không còn được hưởng lợi từ việc đối xử ưu đãi thuế quan và Nguyên đơn phải trả cho cơ quan hải quan Ý thuế nhập khẩu cộng với thuế VAT.
Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn tại Trọng tài yêu cầu bồi thường về tổn thất mà họ đã phải chịu do Bị đơn không giao hàng cùng với giấy chứng nhận xuất xứ như thoả thuận trong hợp đồng. Hợp đồng không thoả thuận luật áp dụng, nhưng khi bắt đầu các thủ tục tố tụng trọng tài, cả hai bên đã thoả thuận thêm luật của Cộng hòa Serbia là luật điều chỉnh nội dung của tranh chấp. Căn cứ, Điều VII (1) của Công ước Châu Âu năm 1961 về Trọng tài cũng như Điều 50 (4) của Luật Trọng tài Serbia năm 2006, Trọng tài xác định luật áp dụng cho hợp đồng là Luật trong nước của Serbia, CISG (vì hai bên có trụ sở tại các Quốc gia thành viên CISG). Ngoài ra, Bộ nguyên tắc về Luật Hợp đồng Châu Âu (PECL), Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004, Luật mẫu UNCITRAL về chuyển tín dụng quốc tế năm 1992 được áp dụng với tư cách là Lex mercatoria. Bởi, Trọng tài xác định các nguyên tắc chung cho hợp đồng thương mại quốc tế, có thể được sử dụng để giải thích và bổ sung cho các quy tắc quốc tế thống nhất, cũng như giải thích và bổ sung các quy định của luật quốc gia.
Trọng tài đã quyết định rằng yêu cầu bồi thường các tổn thất mà Nguyên đơn phải chịu là hợp lý. Bị đơn không cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo yêu cầu của hợp đồng rõ ràng là không thực hiện hợp đồng theo các Điều 35 (1), 36 (1) và 45 (1) (b) của CISG. Đối với quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc không thực hiện của Bị đơn, Trọng tài căn cứ Điều 74 CISG và Điều 262 (1) (2) và 266 của Luật Hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Serbia, các Điều 9: 501 và 9: 502 của PECL và Điều 7.4.1, 7.4.4 của Bộ nguyên tắc UNIDROIT.
Cuối cùng, về vấn đề tiền lãi, Trọng tài căn cứ Điều 78 CISG và Điều 277 (1) và 279 (2) của Luật Hợp đồng và và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Serbia, nhưng cũng theo Điều 9: 508 PECL và Điều 7.4.9 của Bộ nguyên tắc UNIDROIT, cũng như Điều 2 (2) (lit.m) của UML về Chuyển khoản tín dụng quốc tế và trong việc xác định áp dụng lãi suất, tức là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với loại tiền có liên quan (trong trường hợp này là EURO). […]
Người dịch: Tào Thị Huệ
Nguồn: Foreign Trade Court of Arbitration attached to the
Serbian Chamber of Commerce in Belgrade, Serbia
Award of 23 January 2008 [Proceeding No. T – 9/07]
http://www.unilex.info/case.cfm?id=1442, truy cập ngày 10/10/2022