ĐỊA ĐIỂM GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THEO PHÁP LUẬT MỘT SỐ NƯỚC VÀ KHUYẾN NGHỊ VỚI VIỆT NAM
điểm a Khoản 1 Điều 61 LTTTM 2010 quy định phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản và ghi “địa điểm ra phán quyết”, chứ không phải là “địa điểm giải quyết tranh chấp”. Vậy, “địa điểm ra phán quyết” theo điểm a Khoản 1 Điều 61 là “địa điểm giải quyết tranh chấp” hay “nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết”?
ĐỊA ĐIỂM GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI
THEO PHÁP LUẬT MỘT SỐ NƯỚC VÀ KHUYẾN NGHỊ VỚI VIỆT NAM
Tào Thị Huệ[1]
Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu quy định về địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong Luật Mẫu của UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế, Luật trọng tài của Áo và Vương quốc Anh, so sánh với Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam. Từ đó, đề xuất những sửa đổi trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về vấn đề này, cũng như khuyến nghị với doanh nghiệp Việt Nam khi đàm phán, soạn thảo thoả thuận trọng tài.
Từ khoá: địa điểm giải quyết tranh chấp, địa điểm tiến hành phiên họp trọng tài, thoả thuận trọng tài
Abstract: The article studies the provisions of the place of arbitration in the UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration, the Law on Arbitration of Austria and the United Kingdom, and compares them with the Law on Commercial Arbitration 2010 of Vietnam. From there, the author gives some recommendations to the Law on Commercial Arbitration 2010 on this issue, as well as to Vietnamese enterprises when negotiating and drafting arbitration agreements.
Keywords: Arbitration agreement, place of arbitration, venue of arbitration
1. Quy định về địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo Luật Mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL)
Luật Mẫu về về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) năm 1985, sửa đổi năm 2006 (Luật Mẫu) là văn bản được rất nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để sửa đổi pháp luật trọng tài. Việc thể hiện rõ quan điểm căn cứ vào Luật Mẫu sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn trọng tài và giúp trọng tài phát triển. Thực tế, khi xây dựng Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Việt Nam cũng đã tham khảo Luật Mẫu này[2].
Khoản 2 Điều 1 Luật Mẫu quy định: Luật này chỉ áp dụng khi địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (place of arbitration) nằm trên lãnh thổ của quốc gia ban hành Luật này. Theo Khoản 1 Điều 20 Luật Mẫu, các bên được tự do thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp (GQTC) bằng trọng tài. Nếu các bên không có thoả thuận khác, thì địa điểm GQTC bằng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định căn cứ vào các tình tiết của vụ việc, có tính đến sự thuận tiện cho các bên.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn địa điểm GQTC bằng trọng tài, nhưng yếu tố đầu tiên được nêu ra là sự phù hợp với luật áp dụng cho tố tụng trọng tài của nước nơi có địa điểm GQTC được lựa chọn[3]. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố khác như[4]: (i) có hay không các điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương giữa quốc gia là địa điểm GQTC bằng trọng tài với quốc gia nơi thi hành phán quyết trọng tài; (ii) sự thuận tiện cho các bên và trọng tài viên, kể cả khoảng cách di chuyển giữa các địa điểm; (iii) sự sẵn có và chi phí của các dịch vụ hỗ trợ cần thiết; (iv) nơi có đối tượng đang tranh chấp và gần nơi có các chứng cứ.
Ngoài địa điểm GQTC bằng trọng tài, Luật Mẫu còn quy định nơi tiến hành phiên họp của Hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp tại bất kỳ địa điểm nào mà mình cho là phù hợp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Căn cứ để Hội đồng trọng tài lựa chọn nơi tiến hành phiên họp là địa điểm này phù hợp: (i) để lấy ý kiến của các thành viên của Hội đồng trọng tài; (ii) lấy lời khai của người làm chứng; (iii) lấy ý kiến của giám định viên, chuyên gia; (iv) lấy lời khai của các bên; (v) kiểm tra hàng hoá, tài sản, giấy tờ, tài liệu khác (khoản 2 Điều 20).
Với quy định nêu trên, nơi tiến hành phiên họp của Hội đồng trọng tài và địa điểm GQTC bằng trọng tài không nhất thiết phải trùng nhau. Nơi tiến hành phiên họp của Hội đồng trọng tài có thể chính là địa điểm GQTC bằng trọng tài, nhưng cũng có thể là ở nước ngoài so với địa điểm này.
Rõ ràng địa điểm GQTC bằng trọng tài là một khái niệm pháp lý, không chỉ đơn giản là chỉ một khu vực địa lý[5]. Kể cả khi các bên lựa chọn một trung tâm trọng tài, thì địa điểm GQTC bằng trọng tài cũng không nhất thiết phải tại nơi có trụ sở của trung tâm trọng tài được lựa chọn[6]. Trong phán quyết trọng tài phải nêu rõ địa điểm GQTC bằng trọng tài, và phán quyết được coi là ban hành tại địa điểm này, chứ không phải tại nơi tiến hành phiên họp (khoản 3 Điều 31 Luật Mẫu).
Thực tế, phán quyết số 13774 năm 2014 của Trọng tài Phòng thương mại quốc tế (Trọng tài ICC) cũng thể hiện quan điểm này[7]: “địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài” (place of arbitration) là một khái niệm pháp lý, phải được phân biệt rõ ràng với vị trí địa lý hoặc các địa điểm mà các trọng tài có thể thực tế tổ chức các phiên họp GQTC, tham vấn hoặc các cuộc họp khác. Căn cứ vào Quy tắc ICC (ICC Rules), “Hội đồng trọng tài, sau khi tham khảo ý kiến của các bên, tiến hành các phiên họp, cuộc họp khác tại bất kỳ địa điểm nào mà họ cho là thích hợp, GQTC trừ khi các bên có thỏa thuận khác” (Khoản 2 Điều 14). Và họ“có thể cân nhắc lựa chọn bất kỳ địa điểm nào mà họ cho là thích hợp” (Khoản 3 Điều 14). Do đó, trong vụ tranh chấp này, khi Trọng tài duy nhất quyết định địa điểm GQTC bằng trọng tài cũng không làm ảnh hưởng đến khả năng tổ chức các phiên họp ở nơi khác.
2. Quy định về địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo pháp luật một số quốc gia
2.1. Quy định về địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo pháp luật trọng tài Áo
Áo không Luật trọng tài riêng. Quy định về trọng tài nằm trong Chương 4 (Fourth Chapter), từ Mục 577 đến Mục 618 (Section 577 – 618) của Bộ luật tố tụng dân sự Áo (Austrian Code of civil procedure), và được gọi là Luật trọng tài năm 2013 của Áo (Austrian Arbitration Act 2013)[8]. Luật này được xây dựng phù hợp với Luật Mẫu[9]. Theo Khoản 1 Mục 577 (Section 577), các quy định của Chương này sẽ được áp dụng nếu địa điểm GQTC của Hội đồng trọng tài (seat of the arbitral tribunal) tại Áo. Thủ đô Viên của Áo đã nổi tiếng là một địa điểm trung lập và có vị trí thuận tiện cho các vụ tranh chấp, đặc biệt là đối với các tranh chấp giữa các bên từ Trung và Đông Âu[10].
Mặc dù không có định nghĩa về địa điểm GQTC bằng trọng tài, nhưng Mục 595 Luật trọng tài năm 2013 của Áo quy định: (i) Các bên tự do thỏa thuận về địa điểm GQTC bằng trọng tài. Hoặc uỷ quyền xác định địa điểm GQTC cho một tổ chức trọng tài. Nếu không có một thỏa thuận như vậy, địa điểm GQTC bằng trọng tài sẽ do Hội đồng trọng tài xác định, có cân nhắc đến hoàn cảnh của vụ việc, bao gồm cả sự thuận tiện của địa điểm đó đối với các bên; (ii) Mặc dù có quy định nêu trên, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Hội đồng trọng tài có thể triệu tập các bên tại bất kỳ địa điểm nào mà họ cho là thích hợp để tiến hành tố tụng, đặc biệt là các phiên họp để thảo luận giữa các thành viên, đưa ra quyết định, tiến hành các phiên điều trần và xem xét các bằng chứng.
Phán quyết trọng tài sẽ ghi rõ ngày ban hành và địa điểm GQTC của Hội đồng trọng tài được xác định theo Khoản 1 Mục 595. Phán quyết trọng tài được coi là đã được ban hành vào ngày và tại địa điểm đó (Khoản 3 Mục 606).
Các quy định này của Luật trọng tài năm 2013 của Áo phù hợp với quy định của Luật Mẫu. Nhưng vì sao phán quyết trọng tài phải ghi địa điểm GQTC, chứ không bắt buộc ghi nơi tiến hành phiên họp, kể cả phiên họp ra phán quyết? Lý do là bởi, so với nơi tiến hành phiên họp, địa điểm GQTC mang tính cố định, gắn với một quốc gia. Sau khi địa điểm GQTC bằng trọng tài được lựa chọn, tố tụng trọng tài sẽ chịu sự điều chỉnh bởi luật trọng tài của một quốc gia nhất định. Đồng thời, theo điểm d Khoản 1 Điều V Công ước của Liên hợp quốc năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Công ước New York năm 1958)[11], phán quyết trọng tài có thể bị từ chối công nhận và cho thi hành nếu thành viên của Hội đồng trọng tài hoặc tố tụng trọng tài không phù hợp với luật của quốc gia là địa điểm GQTC bằng trọng tài (law of the country where the arbitration took place). Ngược lại, nơi tiến hành phiên họp có thể là địa điểm tại bất kỳ quốc gia nào, nhưng tố tụng trọng tài không chịu sự điều chỉnh của luật trọng tài quốc gia đó.
-
Quy định về địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo pháp luật trọng tài Vương quốc Anh
Tại Vương quốc Anh, luật áp dụng đối với trọng tài là Luật Trọng tài năm 1996[12]. Luật này có hiệu lực với trọng tài có địa điểm GQTC bằng trọng tài tại Anh, xứ Wales hoặc Bắc Ireland (Mục 2).
Tại Mục 3 Luật Trọng tài năm 1996 của Vương quốc Anh quy định về địa điểm GQTC bằng trọng tài (seat of the arbitration). Theo đó “địa điểm GQTC bằng trọng tài” có nghĩa là địa điểm có tính pháp lý (juridical seat), được xác định dựa trên: (i) Thoả thuận lựa chọn của các bên trong thỏa thuận trọng tài, hoặc; (ii) Lựa chọn của bất kỳ trọng tài hoặc tổ chức nào khác hoặc người được các bên uỷ quyền trong vấn đề đó, hoặc; (iii) Lựa chọn của Hội đồng trọng tài nếu được các bên ủy quyền hoặc được tự xác định địa điểm GQTC, trong trường hợp các bên không có bất kỳ thoả thuận lựa chọn nào.
Không có quy định nào trong Luật Trọng tài năm 1996 của Vương quốc Anh yêu cầu các thủ tục tiến hành phiên họp GQTC và xem xét các chứng cứ phải thực tế diễn ra tại địa điểm GQTC bằng trọng tài[13].
Ngoài ra Luật trọng tài năm 1996 của Vương quốc Anh cũng có một số quy định khác liên quan đến địa điểm GQTC bằng trọng tài:
(i) Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận nào khác, phán quyết trọng tài phải được lập thành văn bản và có chữ ký của tất cả các trọng tài viên (hoặc tất cả trọng tài viên đồng ý với phán quyết đó), phán quyết phải nêu rõ lý do, địa điểm GQTC bằng trọng tài và ngày ban hành phán quyết (Khoản 3 – 5 Mục 52).
(ii) Một phán quyết sẽ được coi như được ban hành tại địa điểm GQTC bằng trọng tài, bất kể nó đã được ban hành ở đâu, gửi đi hoặc giao cho bất kỳ bên nào (Điểm b Khoản 2 Mục 100). Và căn cứ vào địa điểm GQTC để xác định phán quyết đó có là phán quyết của trọng tài nước ngoài hay không để thực thi Công ước New York năm 1958[14].
Phán quyết của Tòa án Cấp cao Anh trong vụ Atlas Power v National Transmission [2018] EWHC 1052 (Comm)[15] đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc thoả thuận rõ ràng địa điểm GQTC bằng trọng tài. Trong vụ tranh chấp này, nguyên đơn là các nhà sản xuất điện tư nhân (IPP) và bị đơn là công ty điện lưới quốc gia của Pakistan (NTDC).
Hai bên có thoả thuận lựa chọn GQTC tại Toà trọng tài quốc tế Luân Đôn (London Court of International Arbitration- LCIA). Trong thoả thuận trọng tài này còn gồm ba nội dung sau đây:
(i) Trọng tài sẽ được tiến hành ở Lahore, Pakistan; (ii) Trừ khi các Bên có thỏa thuận khác, với các tranh chấp có giá trị lớn hơn bốn triệu Đô la, hoặc số tiền đang tranh chấp cộng với số tiền của tất cả các tranh chấp trước đó vượt quá sáu triệu Đô la; hoặc các bên tranh chấp về (1) tính hợp pháp, hiệu lực, khả năng thực thi của Hợp đồng hoặc bất kỳ điều khoản quan trọng nào của Hợp đồng này, (2) về việc chấm dứt Hợp đồng , nếu một trong hai bên có yêu cầu trọng tài được tiến hành ở Luân Đôn, thì trọng tài sẽ được tiến hành ở Luân Đôn; (iii) Cuối cùng, một trong hai bên có thể yêu cầu tiến hành trọng tài đối với bất kỳ tranh chấp nào tại Luân Đôn, với điều kiện là (1) tranh chấp đó không thỏa mãn các yêu cầu về ngưỡng giá trị hoặc loại tranh chấp đã được quy định ở trên; và (2) bên yêu cầu sẽ phải thanh toán chi phí trọng tài vượt quá chi phí đáng lẽ bên kia phải chịu, nếu trọng tài được tiến hành ở Pakistan.
IPP đã gửi đơn kiện đến Toà trọng tài quốc tế Luân Đôn (LCIA) và xác định địa điểm GQTC bằng trọng tài là Luân Đôn, do giá trị của tranh chấp đã vượt quá ngưỡng giá trị hai bên thoả thuận. NTDC không đồng ý vì, thoả thuận của hai bên chỉ nhằm xác nơi tiến hành phiên họp GQTC mà thôi, không phải địa điểm GQTC bằng trọng tài. Và địa điểm GQTC bằng trọng tài phải là Lahore, Pakistan. IPP không chấp nhận, vì địa điểm GQTC bằng trọng tài phải là Luân Đôn theo Quy tắc 16 Khoản 1 của Quy tắc LCIA 1998. Tuy nhiên, LCIA đã xác định địa điểm GQTC bằng trọng tài là Luân Đôn, tố tụng trọng tài được tiến hành tại cả Lahore, Pakistan cũng như Luân Đôn, Anh. Và LCIA đã đưa ra phán quyết cuối cùng về tranh chấp giữa hai bên.
NTDC đã đệ đơn lên tòa án Pakistan yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài. Còn IPP đã nộp đơn yêu cầu Tòa án Cấp cao Anh ban hành lệnh nhằm ngăn cản NTDC yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài ở bất kỳ khu vực tài phán nào khác ngoài Anh và xứ Wales. Kết luận của Tòa án Cấp cao Anh là: (i) Địa điểm GQTC bằng trọng tài đã được xác định là Luân Đôn theo Mục 3 của Luật trọng tài năm 1996 của Vương quốc Anh; (ii) Ngay cả khi NTDC có lập luận ngược lại, thì họ cũng đã không khiếu nại một cách kịp thời đối với các quyết định và phán quyết trọng tài có liên quan; (iii) Do đó, NTDC bị hạn chế quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài tại Lahore, Pakistan, hoặc bất kỳ nơi nào khác ngoài Anh và xứ Wales.
Phán quyết trên của toà án cho thấy IPP thắng kiện hoàn toàn dựa trên cơ sở địa điểm GQTC bằng trọng tài là Luân Đôn, Anh. Địa điểm GQTC xác định luật điều chỉnh tố tụng trọng tài, đó là Luật trọng tài của Vương quốc Anh năm 1996. Thêm vào đó, vụ tranh chấp còn cho thấy việc soạn thảo một điều khoản trọng tài phức tạp có thể dẫn đến những tranh chấp về sau. Nếu các bên soạn thảo rõ ràng về địa điểm GQTC bằng trọng tài thì sẽ không có vụ tranh chấp này xảy ra tại toà án của Anh.
3. Quy định trong pháp luật Việt Nam về địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và một số khuyến nghị
Theo quy định của Luật Mẫu, Luật trọng tài năm 2013 của Áo và Luật trọng tài năm 1996 của Vương quốc Anh cho thấy có ba vấn đề pháp lý cơ bản về địa điểm GQTC bằng trọng tài:
Thứ nhất, địa điểm GQTC bằng trọng tài là một thuật ngữ pháp lý, nghĩa là không chỉ đơn thuần là chỉ khu vực địa lý. Địa điểm GQTC bằng trọng tài là nước nào, thì luật của nước đó điều chỉnh tố tụng trọng tài.
Thứ hai, nếu các bên không thoả thuận, Hội đồng trọng tài sẽ xác định địa điểm GQTC.
Related Posts
Thứ ba, phán quyết trọng tài phải ghi địa điểm GQTC. Địa điểm GQTC bằng trọng tài ở đâu thì phán quyết trọng tài được coi là được ban hành tại quốc gia đó. Hoàn toàn không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành phiên họp ban hành ra phán quyết trọng tài ở nước nào.
Quy định về trọng tài tại Việt Nam chủ yếu nằm trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (LTTTM 2010), Nghị định 63/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28 tháng 7 năm 2011quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại và Nghị định 124/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19 tháng 09 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trọng tài thương mại. Tuy nhiên, “địa điểm giải quyết tranh chấp” chỉ được quy định tại LTTTM 2010. Nhìn chung, quy định của LTTTM 2010 về vấn đề này phù hợp với Luật Mẫu, và tương đồng với Luật trọng tài năm 2013 của Áo và Luật trọng tài năm 1996 của Vương quốc Anh, gồm:
– “Địa điểm giải quyết tranh chấp” là nơi Hội đồng trọng tài tiến hành GQTC theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận. Nếu địa điểm GQTC được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó (khoản 8 Điều 3). Việt Nam là thành viên của Công ước New York năm 1958 kể từ ngày 11/12/1995[16], do đó, phán quyết của trọng tài được tuyên hoặc được coi là tuyên tại Việt Nam sẽ được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài theo Công ước này.
– Các bên có quyền thoả thuận địa điểm GQTC; trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm GQTC có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (Khoản 1 Điều 11). Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp tại địa điểm được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác (khoản 2 Điều 11).
Tuy nhiên, khi so sánh với Luật Mẫu, Luật trọng tài năm 2013 của Áo và Luật trọng tài năm 1996 của Vương quốc Anh về địa điểm GQTC bằng trọng tài, LTTTM 2010 có những điểm khác biệt sau đây cần sửa đổi:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh: LTTTM 2010 không có quy định Luật này sẽ áp dụng khi địa điểm GQTC bằng trọng tài nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Mà quy định mang tính liệt kê tại Điều 1: Luật này quy định về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài.
Theo Khoản 11 Điều 3 LTTTM 2010, trọng tài nước ngoài là trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành GQTC ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam. Mặc dù có quy định về tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài thông qua chi nhánh, văn phòng đại diện tại Điều 73 – 79, nhưng LTTTM 2010 lại không có quy định về việc GQTC của trọng tài nước ngoài khi các bên lựa chọn Việt Nam là địa điểm GQTC. Do đó, với quy định tại Điều 1, chưa thể có câu trả lời về việc LTTTM 2010 có áp dụng đối với tố tụng của trọng tài nước ngoài GQTC thương mại quốc tế của các bên lựa chọn Việt Nam là địa điểm GQTC hay không? Hoặc tranh chấp do trọng tài Việt Nam giải quyết đã lựa chọn địa điểm GQTC ở nước ngoài, nhưng tiến hành một số phiên họp ở Việt Nam thì LTTTM 2010 có điều chỉnh tố tụng trọng tài hay không? Để khắc phục vấn đề này, LTTTM 2010 có thể bổ sung thêm vào phạm vi điều chỉnh theo hướng quy định của Luật Mẫu.
Thứ hai, nội dung của phán quyết trọng tài: điểm a Khoản 1 Điều 61 LTTTM 2010 quy định phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản và ghi “địa điểm ra phán quyết”, chứ không phải là “địa điểm giải quyết tranh chấp”. Vậy, “địa điểm ra phán quyết” theo điểm a Khoản 1 Điều 61 là “địa điểm giải quyết tranh chấp” hay “nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết”? Sự không rõ ràng này dẫn đến bất cập là: nếu hiểu “địa điểm ra phán quyết” là “nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết”, thì khi phán quyết tuyên ở nước ngoài, nội dung của phán quyết sẽ không thể hiện được địa điểm “địa điểm giải quyết tranh chấp” là Việt Nam – thành viên của Công ước New York năm 1958. Ngược lại, nếu hiểu “địa điểm ra phán quyết” là “địa điểm giải quyết tranh chấp” thì cũng không có cơ sở pháp lý để các bên cũng như Hội đồng trọng tài có thể thống nhất chung một cách tiếp cận này. Do vậy, LTTTM 2010 nên được sửa đổi và quy định phán quyết trọng tài phải ghi rõ “địa điểm giải quyết tranh chấp”.
Thứ ba, bất cập về vấn đề đăng ký phán quyết của trọng tài vụ việc: Khoản 1 Điều 62 LTTTM 2010 quy định, theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp, phán quyết của trọng tài vụ việc được đăng ký tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trước khi yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành phán quyết trọng tài đó. Quy định này lại đưa ra một thuật ngữ về địa điểm mới là “nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết”. Đây là “nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết” hay là “địa điểm giải quyết tranh chấp”?
Việc đăng ký phán quyết của trọng tài vụ việc chỉ có thể thực hiện được nếu nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết là tại Việt Nam. Còn nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, thì phán quyết của trọng tài vụ việc không thể đăng ký được. Mặc dù, câu thứ hai trong khoản 1 Điều 62 có quy định: Việc đăng ký hoặc không đăng ký phán quyết trọng tài không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài. Nhưng “không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài” lại không đồng nghĩa với không ảnh hưởng đến việc một hoặc các bên tranh chấp có thể yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành phán quyết trọng tài. Bởi vì, theo Khoản 2 Điều 66 Luật này, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62. Do đó, LTTTM 2010 nên sửa đổi “nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết” tại Khoản 1 Điều 62 thành “địa điểm giải quyết tranh chấp”. Khi địa điểm GQTC là Việt Nam, thì phán quyết ban hành ở đâu cũng có thể đăng ký tại Việt Nam, và sẽ được thi hành với với tư cách là phán quyết được tuyên hoặc được coi là tuyên tại Việt Nam. Đồng thời, bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 66 LTTTM 2010 để tránh gây ra cách hiểu rằng, bắt buộc phải đăng ký phán quyết trước khi yêu cầu thi hành.
Ngoài ra, địa điểm GQTC bằng trọng tài có liên quan trực tiếp đến lợi ích của các doanh nghiệp. Điều này có thể thấy trong hai vụ tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài ICC và Toà án Cấp cao của Anh nêu trên. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khi đàm phán, soạn thảo thoả thuận trọng tài trong hợp đồng thương mại quốc tế cũng cần phải hiểu được ý nghĩa pháp lý quan trọng của địa điểm GQTC bằng trọng tài. Doanh nghiệp không nên coi đây chỉ là một chi tiết không quan trọng của điều khoản trọng tài. Các bên có thể tham khảo Điều khoản trọng tài mẫu của Trọng tài ICC (Standard ICC Arbitration Clause), trong đó khuyến nghị các bên nên lựa chọn địa điểm GQTC bằng trọng tài phù hợp với họ[17]. Hoặc doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham khảo điều khoản mẫu chi tiết của Trọng tài LCIA như sau:
– “Mọi tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này, bao gồm các tranh chấp về việc có tồn tại quan hệ hợp đồng hay không, hiệu lực hoặc chấm dứt hợp đồng, sẽ được đưa ra và giải quyết cuối cùng bằng trọng tài theo Quy tắc LCIA, Quy tắc LCIA được coi là một phần của điều khoản này.
Số lượng trọng tài viên sẽ là một/ba.
Địa điểm giải quyết tranh chấp của trọng tài sẽ là [Thành phố và/hoặc Quốc gia].
Ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng trọng tài sẽ là […].
Luật điều chỉnh của hợp đồng sẽ là luật nội dung của […].[18]”
Như vậy, địa điểm GQTC bằng trọng tài là vấn đề pháp lý được quy định thành một chuẩn mực trong Luật Mẫu, được các quốc gia như Áo, Vương Quốc Anh tham khảo xây dựng luật trọng tài. Tại Việt Nam, địa điểm GQTC bằng trọng tài cũng là một nội dung được quy định trong LTTTM 2010 nhưng vẫn còn tồn tại bất cập, mâu thuẫn cần sửa đổi. Việc sửa đổi cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nhận thức, chú trọng tới địa điểm GQTC bằng trọng tài khi quyết định lựa chọn phương thức này, lường trước được luật điều chỉnh tố tụng trọng tài cũng như khả năng thi hành phán quyết theo Công ước New York năm 1958./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Nhà pháp luật Việt – Pháp (2010), Bản hướng dẫn của Uỷ ban pháp luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc về tiến hành tố tụng trọng tài, Tuyển tập một số văn bản về trọng tài và hoà giải thương mại, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
-
Center for Transnational Law (CENTRAL), ICC Award No. 13774, YCA 2014, http://translex.uni-koeln.de/213774/mark_969040/icc-award-no-13774-yca-2014-at-page-141-et-seq/#toc_0
-
England and Wales High Court (Commercial Court) Decisions, Atlas Power Ltd & Ors v National Transmission and Despatch Company Ltd [2018] EWHC 1052 (Comm) (04 May 2018), https://www.bailii.org/ew/cases/EWHC/Comm/2018/1052.html
-
Jiang Qiuju, Determination of seat of arbitration, and its legal significance,https://law.asia/determination-seat-arbitration-legal-significance/
-
Joe Tirado, International Arbitration Laws and Regulations 2021 – England & Wales, https://www.globallegalinsights.com/practice-areas/international-arbitration-laws-and-regulations/england-and-wales
-
Katharina Kitzberger, Stefan Weber, Austria: International Arbitration Laws and Regulations 2021, https://iclg.com/practice-areas/international-arbitration-laws-and-regulations/austria