Tầm quan trọng của địa điểm giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không nhất thiết phải là nơi sẽ tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp, kể cả nơi tổ chức phiên họp ra phán quyết.
Tầm quan trọng của địa điểm giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Việc chọn một địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài (seat/place of arbitration) thích hợp rất quan trọng.
Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không nhất thiết phải là nơi có trụ sở của với tổ chức trọng tài đã được chọn. Ví dụ, các bên trong hợp đồng có thể lựa chọn trọng tài ICC ở Paris (Pháp), nhưng địa điểm giải quyết tranh chấp là London (Anh).
Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không nhất thiết phải là nơi sẽ tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp, kể cả nơi tổ chức phiên họp ra phán quyết.
Thoả thuận lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ có có hệ quả pháp lý là:
- Luật điều chỉnh tố tụng trọng tài là luật nơi có địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
- Phán quyết trọng tài có thể được yêu cầu huỷ tại các tòa án của nước có địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Các quốc gia sẽ cho phép một phán quyết được yêu cầu huỷ dựa trên một số lý do nhất định (ví dụ: trọng tài thiếu thẩm quyền hoặc vi phạm về tố tụng trọng tài, …).
- Mức độ can thiệp của tòa án đối với tố tụng trọng tài cũng dựa trên địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Sự can thiệp này có thể là hỗ trợ hoặc giám sát trọng tài. Nhưng thông thường, theo luật trọng tài nhiều quốc gia, tòa án thường chỉ can thiệp để hỗ trợ trọng tài, chẳng hạn như để đưa ra biện pháp khắc phục tạm thời, chỉ định trọng tài viên, …
- Ngược lại, luật trọng tài một số nước có thể làm trì hoãn nghiêm trọng việc xét xử, làm tăng rủi ro bởi các thủ tục tại tòa án được tiến hành song song và khả năng phán quyết trọng tài bị yêu cầu huỷ dựa trên các căn cứ có phạm vi rộng tại các tòa án quốc gia.
- Thoả thuận nước nơi có địa điểm trọng tài cũng có vai trò trong việc thi hành phán quyết của Trọng tài theo Công ước năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài ( Công ước New York năm 1958).
Có nhiều lựa chọn “an toàn” về địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, bao gồm Paris, London, Geneva, Singapore và Hong Kong. Các địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài này là các khu vực pháp lý thân thiện với trọng tài ở các quốc gia là thành viên của Công ước New York năm 1958, đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép thực thi các phán quyết trọng tài trên phạm vi quốc tế.
Tào Thị Huệ