Việt Nam và việc thực thi gói cam kết thứ 7 về dịch vụ tài chính theo AFAS
Trong các Gói cam kết trên, Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ tài chính theo AFAS của Việt Nam là gói cam kết có phạm vi và mức độ mở cửa cao nhất.
Việt Nam và việc thực thi gói cam kết thứ 7 về dịch vụ tài chính theo AFAS
Tóm tắt: Tính đến tháng 3/2019, Việt Nam đã đưa ra cam kết về dịch vụ tài chính trong khuôn khổ AFAS trong 6 gói cam kết. Trong đó, Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ tài chính theo AFAS của Việt Nam là gói cam kết có phạm vi và mức độ mở cửa cao nhất, bao gồm 3 phân ngành: (i) Bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm; (ii) Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác; (iii) Chứng khoán. Việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS đặt ra những thách thức nhất định về việc hoàn thiện hơn hệ thống các quy định của pháp luật có liên quan, phù hợp với cam kết đã đưa ra. Tuy nhiên, dung lượng bài viết có hạn, nên trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số điểm chưa phù hợp và đề xuất hoàn thiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam đảm bảo tương thích với cam kết trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS.
Từ khóa: dịch vụ tài chính, AFAS, Luật kinh doanh bảo hiểm
Tự do hóa dịch vụ tài chính có vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước ASEAN. Tự do hóa dịch vụ tài chính ASEAN nằm trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về thương mại dịch vụ (AFAS) ký kết năm 1995 và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung Asean về dịch vụ (AFAS) ký kết năm 2003.
1. Tổng quan cam kết của Việt Nam về dịch vụ tài chính trong khuôn khổ AFAS
Trong khuôn khổ AFAS, dịch vụ tài chính được đàm phán riêng, không nằm trong các Gói cam kết chung.
Việc đàm phán dịch vụ tài chính được thực hiện theo hình thức “chọn-cho”, nghĩa là thành viên Asean cam kết mở cửa đối với phân ngành dịch vụ tài chính nào, thì sẽ ghi rõ trong Gói cam kết của thành viên đó. Từng phân ngành dịch vụ tài chính cũng sẽ được cam kết tương ứng theo bốn phương thức cung ứng dịch vụ, gồm:
– Phương thức 1: Cung ứng dịch vụ qua biên giới (Cross-border supply).
– Phương thức 2: Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài (consumption abroad)
– Phương thức 3: Hiện diện thương mại (Commercial presence)
– Phương thức 4: Hiện diện thể nhân (Presence of natural person)
Tính đến tháng 3/2019, Việt Nam đã đưa ra cam kết về dịch vụ tài chính trong khuôn khổ AFAS trong 6 gói cam kết,[1] gồm:
1) Nghị định thư thực thi gói cam kết thứ hai về dịch vụ tài chính trong khuôn khổ AFAS (ngày 06 tháng 4 năm 2002);
2) Nghị định thư thực thi gói cam kết thứ ba về dịch vụ tài chính trong khuôn khổ AFAS (ngày 06 tháng 4 năm 2005);
3) Nghị định thư thực thi gói cam kết thứ bốn về dịch vụ tài chính trong khuôn khổ AFAS (ngày 06 tháng 4 năm 2008);
4) Nghị định thư thực thi gói cam kết thứ năm về dịch vụ tài chính trong khuôn khổ AFAS (ngày 04 tháng 5 năm 2011);
5) Nghị định thư thực thi gói cam kết thứ sáu về dịch vụ tài chính trong khuôn khổ AFAS (ngày 20 tháng 3 năm 2015);
6) Nghị định thư thực thi gói cam kết thứ bảy về dịch vụ tài chính trong khuôn khổ AFAS (ngày 23 tháng 6 năm 2016).
Trong các Gói cam kết trên, Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ tài chính theo AFAS của Việt Nam là gói cam kết có phạm vi và mức độ mở cửa cao nhất. Nội dung cụ thể của Gói cam kết này sẽ được trình bày ở mục 2 dưới đây.
2. Nội dung cam kết của Việt Nam về dịch vụ tài chính trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS[2]
2.1. Về ngành/phân ngành dịch vụ tài chính trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS của Việt Nam
Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ tài chính theo AFAS của Việt Nam đưa ra cam kết với 3 ngành và các phân ngành cụ thể sau đây:
A. Bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm
a. Bảo hiểm gốc
(a) Bảo hiểm nhân thọ, trừ bảo hiểm y tế
(b) Bảo hiểm phi nhân thọ
b. Tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm
c. Trung gian bảo hiểm (như môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm)
d. Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm (như tư vấn, dịch vụ tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường)
B. Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác
(a) Nhận tiền gửi và các khoản phải trả khác từ công chúng
(b) Cho vay dưới tất cả các hình thức, bao gồm tín dụng tiêu dùng, tín dụng cầm cố thế chấp, bao thanh toán và tài trợ giao dịch thương mại
(c) Thuê mua tài chính
(d) Mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng
(e) Bảo lãnh và cam kết
(f) Kinh doanh trên tài khoản của mình hoặc của khách hàng, tại sở giao dịch, trên thị trường giao dịch thoả thuận hoặc bằng cách khác như dưới đây:
– Công cụ thị trường tiền tệ (bao gồm séc, hối phiếu, chứng chỉ tiền gửi);
– Ngoại hối;
– Các công cụ tỷ giá và lãi suất, bao gồm các sản phẩm như hợp đồng hoán đổi, hợp đồng kỳ hạn;
– Vàng khối.
(h) Môi giới tiền tệ
(i) Quản lý tài sản, như quản lý tiền mặt hoặc danh mục đầu tư, mọi hình thức quản lý đầu tư tập thể, quản lý quỹ hưu trí, các dịch vụ lưu ký và tín thác.
(j) Các dịch vụ thanh toán và bù trừ tài sản tài chính, bao gồm chứng khoán, các sản phẩm phái sinh và các công cụ chuyển nhượng khác.
(k) Cung cấp và chuyển thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính cũng như các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác.
(l) Các dịch vụ tư vấn, trung gian môi giới và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác đối với tất cả các hoạt động được nêu từ các tiểu mục (a) đến (k), kể cả tham chiếu và phân tích tín dụng, nghiên cứu và tư vấn đầu tư và danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại và về tái cơ cấu và chiến lược doanh nghiệp
C. Chứng khoán
(f) Giao dịch cho tài khoản của mình hoặc tài khoản của khách hàng tại sở giao dịch chứng khoán, thị trường giao dịch trực tiếp (OTC) hay các thị trường khác những sản phẩm sau:
– Các công cụ phái sinh, bao gồm cả hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền lựa chọn;
– Các chứng khoán có thể chuyển nhượng;
– Các công cụ có thể chuyển nhượng khác và các tài sản tài chính, trừ vàng khối.
(g) Tham gia vào các đợt phát hành mọi loại chứng khoán, bao gồm bảo lãnh phát hành, và làm đại lý bán (chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng), cung cấp các dịch vụ liên quan đến các đợt phát hành đó.
(i) Quản lý tài sản như quản lý danh mục đầu tư, mọi hình thức quản lý đầu tư tập thể, quản lý quỹ hưu trí, các dịch vụ lưu ký và tín thác.
(j) Các dịch vụ thanh toán và thanh toán bù trừ chứng khoán, các công cụ phái sinh và các sản phẩm liên quan đến chứng khoán khác
(k) Cung cấp và chuyển thông tin tài chính, các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán.
(l) Tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ liên quan đến chứng khoán, ngoại trừ các hoạt động tại tiểu mục (f), bao gồm tư vấn và nghiên cứu đầu tư, danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại công ty, lập chiến lược và cơ cấu lại công ty (Đối với các dịch vụ khác tại tiểu mục (l), tham chiếu tiểu mục (l) trong phần cam kết về dịch vụ ngân hàng).
2.2. Về cam kết chung của Việt Nam về dịch vụ tài chính trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS
* Hạn chế tiếp cận thị trường:
Việt Nam chỉ đưa ra các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường với phương thức 3 và 4. Cụ thể:
Với phương thức 3, Việt Nam duy trì một số hạn chế sau:
(1) Hình thức thành lập doanh nghiệp
Trừ khi có quy định khác tại từng ngành và phân ngành cụ thể của Biểu cam kết này, doanh nghiệp nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhưng các văn phòng đại diện không được tham gia vào các hoạt động sinh lợi trực tiếp.
Chưa cam kết việc thành lập chi nhánh, trừ khi có quy định khác tại từng ngành và phân ngành cụ thể của Biểu cam kết này.
(2) Quyền thuê đất
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép thuê đất để thực hiện dự án đầu tư của mình. Thời hạn thuê đất phải phù hợp với thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp này, được quy định trong giấy phép đầu tư. Thời hạn thuê đất sẽ được gia hạn khi thời gian hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền gia hạn.
(3) Tỷ lệ vốn góp của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài
Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép góp vốn dưới hình thức mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp này, tổng mức vốn cổ phần do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trong một doanh nghiệp không được vượt quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó, trừ khi luật pháp Việt Nam có quy định khác hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép.
Hạn chế 30% cổ phần nước ngoài trong việc mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được bãi bỏ, ngoại trừ đối với việc góp vốn dưới hình thức mua cổ phần trong các ngân hàng thương mại cổ phần và với những ngành không cam kết trong Biểu cam kết này. Với các ngành và phân ngành khác đã cam kết trong Biểu cam kết này, mức cổ phần do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khi mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam phải phù hợp với các hạn chế về tỷ lệ tham gia vốn của nước ngoài được quy định trong các ngành và phân ngành đó, bao gồm cả hạn chế dưới dạng thời gian chuyển đổi, nếu có.
Với phương thức 4: Việt Nam chưa cam kết, trừ các biện pháp liên quan đến nhập cảnh và lưu trú tạm thời của các thể nhân thuộc các nhóm sau:
(a) Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp
(b) Nhân sự khác
(c) Người chào bán dịch vụ
(d) Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại:
(e) Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng (CSS).
* Hạn chế đối xử quốc gia:
Việt Nam chỉ đưa ra các biện pháp hạn chế đối xử quốc gia với phương thức 3 và 4. Cụ thể:
Với phương thức 3: Các khoản trợ cấp có thể chỉ dành cho các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, nghĩa là các pháp nhân được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc một vùng của Việt Nam. Việc dành trợ cấp một lần để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa không bị coi là vi phạm cam kết này. Chưa cam kết đối với các khoản trợ cấp dành cho nghiên cứu và phát triển. Chưa cam kết đối với các khoản trợ cấp trong các ngành y tế, giáo dục và nghe nhìn. Chưa cam kết đối với các khoản trợ cấp nhằm nâng cao phúc lợi và tạo công ăn việc làm cho đồng bào thiểu số.
Với phương thức 4: Chưa cam kết, trừ các biện pháp đã nêu tại cột tiếp cận thị trường.
2.3. Cam kết cụ thể của Việt Nam về dịch vụ tài chính trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS
A. Bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm
* Hạn chế tiếp cận thị trường
Với Phương thức 1, Việt Nam không hạn chế đối với các phân ngành dịch vụ được liệt kê trong Biểu cam kết, như:
– Dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
– Dịch vụ tái bảo hiểm;
– Dịch vụ môi giới bảo hiểm và môi giới tái bảo hiểm;
– Dịch vụ tư vấn, dịch vụ tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường;…
Với phương thức 2: Không hạn chế
Với phương thức 3:
Không hạn chế, ngoại trừ: Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ.
Với phương thức 4: Chưa cam kết, trừ các cam kết chung.
* Hạn chế đối xử quốc gia
Việt Nam không hạn chế đối với phương thức 1, 2, 3. Riêng phương thức 4: Chưa cam kết, trừ các cam kết chung.
B. Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác
* Hạn chế mở cửa thị trường
Với phương thức 1: Chưa cam kết, trừ B(k) và B(l).
Với phương thức 2: Không hạn chế.
Với phương thức 3: Việt Nam đưa ra các hạn chế sau:
(1) Hạn chế đối với hình thức của các tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, gồm:
(a) Các ngân hàng thương mại nước ngoài: văn phòng đại diện, chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài, ngân hàng thương mại liên doanh trong đó phần góp vốn của bên nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh, công ty cho thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài, công ty tài chính liên doanh và công ty tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài, ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài.
(b) Các công ty tài chính nước ngoài: văn phòng đại diện, công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên doanh và công ty cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài.
(c) Đối với các công ty cho thuê tài chính nước ngoài: văn phòng đại diện, công ty cho thuê tài chính liên doanh và công ty cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài.
(2) Hạn chế về tham gia cổ phần
(3) Chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài không được phép mở các điểm giao dịch khác ngoài trụ sở chi nhánh của mình.
(4) Các tổ chức tín dụng nước ngoài được phép phát hành thẻ tín dụng trên cơ sở đối xử quốc gia.
Với phương thức 4: Chưa cam kết, trừ các cam kết chung.
* Hạn chế đối xử quốc gia
Với phương thức 1: Chưa cam kết, trừ B(k) và B(l).
Với phương thức 2: Không hạn chế.
Với phương thức 3: Việt Nam đưa ra hạn chế sau:
(1) Các điều kiện để thành lập chi nhánh của một ngân hàng thương mại nước ngoài tại Việt Nam: Ngân hàng mẹ có tổng tài sản có trên 20 tỷ Đô la Mỹ vào cuối năm trước thời điểm nộp đơn.
(2) Các điều kiện để thành lập một ngân hàng liên doanh hoặc một ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài: Ngân hàng mẹ có tổng tài sản có trên 10 tỷ Đô la Mỹ vào cuối năm trước thời điểm nộp đơn.
(3) Các điều kiện để thành lập một công ty tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc một công ty tài chính liên doanh, một công ty cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc một công ty cho thuê tài chính liên doanh: Tổ chức tín dụng nước ngoài có tổng tài sản có trên 10 tỷ Đô la Mỹ vào cuối năm trước thời điểm nộp đơn.
Với phương thức 4: Chưa cam kết, trừ các cam kết chung.
C. Chứng khoán
* Hạn chế tiếp cận thị trường
Với phương thức 1: Chưa cam kết, trừ các dịch vụ C(k) và C(l).
Với phương thức 2: Không hạn chế.
Với phương thức 3: Việt Nam đưa ra hạn chế về tỷ lệ vốn góp của các nhà cung cấp nước ngoài
(1) Các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện và công ty liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 49%.
(2) cho phép thành lập doanh nghiệp chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài.
(3) Đối với các dịch vụ từ C(i) tới C(l): cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh.
Với phương thức 4: Chưa cam kết, trừ các cam kết chung.
* Hạn chế đối xử quốc gia
Với phương thức 1: Chưa cam kết
Với phương thức 2: Không hạn chế
Với phương thức 3: Không hạn chế
Với phương thức 4: Chưa cam kết, trừ các cam kết chung.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về thực thi cam kết về dịch vụ tài chính trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS
Đối với Việt Nam, việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS đặt ra những thách thức nhất định về việc hoàn thiện hơn hệ thống các quy định của pháp luật có liên quan, phù hợp với cam kết đã đưa ra. Hay nói cách khác, phải đảm bảo pháp luật trong nước của Việt Nam không được tạo ra mức hạn chế tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia cao hơn so với cam kết trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS.
Tuy nhiên, theo sự so sánh, đối chiếu của tác giả, tính đến tháng 3 năm 2019, cam kết của Việt Nam về dịch vụ tài chính trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS là tương đương với mức cam kết của Việt Nam trong khuông khổ WTO.[3] Vì vậy, việc rà soát các quy định của pháp luật trong nước nhằm đảm bảo phù hợp với cam kết trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS không chỉ mới đặt ra, mà đã có sự kế thừa của quá trình rà soát, hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong 3 lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán, nhằm phù hợp cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số điểm chưa phù hợp của pháp luật kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam so với cam kết trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam được điều chỉnh bởi một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, và văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực này là Luật kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2001, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 61/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 (Sau đây gọi là Luật kinh doanh bảo hiểm).
So với cam kết về dịch vụ tài chính trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS, Luật kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam còn những điểm chưa phù hợp.
Thứ nhất, về phạm vi của dịch vụ bảo hiểm
Theo cam kết trong Gói cam kết thứ 7, Việt Nam cam kết đối với bảo hiểm gốc, gồm bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm y tế) và bảo hiểm phi nhân thọ; tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm; trung gian bảo hiểm (như môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm); dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm (như tư vấn, dịch vụ tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường).
Song, khoản 1 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”. Theo đó, đặc trưng của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường những mất mát, thiệt hại do những rủi ro là các sự kiện bảo hiểm xảy ra của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm. Như vậy, “kinh doanh bảo hiểm” không bao gồm “dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm”, đồng nghĩa với việc Luật kinh doanh bảo hiểm không điều chỉnh “dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm” – một phân ngành dịch vụ đã được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường.
Thứ hai, cung ứng dịch vụ bảo hiểm cho người tiêu dùng dịch vụ trong lãnh thổ Việt Nam
Đối với phương thức 1 – cung ứng dịch vụ qua biên giới, Việt Nam cam kết đối xử quốc gia và không hạn chế tiếp cận thị trường với:
– Dịch vụ bảo hiểm đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
– Dịch vụ tái bảo hiểm;
– Dịch vụ bảo hiểm vận tải quốc tế (gồm vận tải biển quốc tế, hàng không thương mại quốc tế, hàng hóa đang vận chuyển quá cảnh quốc tế);
– Trung gian bảo hiểm (như môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm);
– Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm (tư vấn, tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường).
Theo cam kết này, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được phép cung cấp các dịch vụ bảo hiểm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam không cần thành lập hiện diện thương mại, hoặc hiện diện thể nhân tại Việt Nam.
Với các dịch vụ được liệt kê tiếp theo gồm: Dịch vụ tái bảo hiểm; Dịch vụ bảo hiểm vận tải quốc tế (gồm vận tải biển quốc tế, hàng không thương mại quốc tế, hàng hóa đang vận chuyển quá cảnh quốc tế); … thì Biểu cam kết không ghi rõ là chỉ được cung cấp cho các các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Vậy, chưa thể khẳng định doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nước ngoài có được cung ứng các dịch vụ trên cho doanh nghiệp và công dân Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam theo phương thức 1 hay không?
Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 6 Luật kinh doanh bảo hiểm lại có quy định khẳng định về vấn đề này:
– Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam;
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới.
Mặc dù, tại khoản 2 Điều 2 Luật kinh doanh bảo hiểm có quy định: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Thì cũng khó có thể phủ nhận quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật này đã “vô tình” quy định mức hạn chế cao hơn so với cam kết của Việt Nam.
Thứ ba, về hình thức doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm
Trong nội dung cam kết theo phương thức 3 của Việt Nam, chỉ bảo hiểm phi nhân thọ bị hạn chế, chỉ được hiện diện thương mại dưới hình thức chi nhánh, còn các phân ngành dịch vụ khác không có hạn chế về hình thức doanh nghiệp, và được cam kết đối xử quốc gia.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 105 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định:
“Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
- a) Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn môi giới bảo hiểm;
- b) Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.”
Theo đó, quy định đối với hình thức của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài là phù hợp cam kết. Với các phân ngành dịch vụ bảo hiểm còn lại, chỉ được thành lập dưới hình thức “công ty trách nhiệm hữu hạn”. Trong khi đó, tại Điều 59 nằm trong Mục 1 Chương 3 Luật kinh doanh bảo hiểm (từ Điều 58 đến Điều 69) quy định về Cấp giấy phép thành lập và hoạt động của “doanh nghiệp bảo hiểm” lại quy định các hình thức doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam bao gồm:
“1. Công ty cổ phần bảo hiểm;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm;
- Hợp tác xã bảo hiểm;
- Tổ chức bảo hiểm tương hỗ”.
Theo các quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm của nước ngoài đang bị phân biệt đối xử về hình thức thành lập doanh nghiệp so với doanh nghiệp bảo hiểm trong nước của Việt Nam.
Những phân tích trên đây cho thấy pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm chưa phù hợp với các cam kết về dịch vụ tài chính trong gói cam kết thứ 7 theo AFAS. Thực tế này đòi hỏi, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần phải:
– Tiếp tục rà soát để xác định các quy định của pháp luật trong nước còn chưa phù hợp, mâu thuẫn với cam kết của Việt Nam về dịch vụ tài chính trong Gói cam kết thứ 7 theo AFAS;
– Đồng thời nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện pháp luật Việt Nam về dịch vụ tài chính trong Gói cam kết thứ 7 theo AFAS.
[1] ASEAN, “Agreement on Finance and Banking”, xem tại: https://asean.org/asean-economic-community/asean-finance-ministers-meeting-afmm/agreements-declarations/ (truy cập ngày 15/4/2019)
[2] VIET NAM – SCHEDULE OF SPECIFIC COMMITMENTS FOR FINANCIAL SERVICES UNDER AFAS, https://asean.org/storage/2012/05/Schedule-of-Commitments-SOCs-of-the-7th-Protocol.pdf (truy cập ngày 15/4/2019)
[3] Xem Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong khuôn khổ WTO tại: https://docs.wto.org/dol2fe/Pages/FE_Search/FE_S_S006.aspx?Query=(@Symbol=%20gats/sc/*)%20and%20((%20@Title=%20viet%20nam%20)%20or%20(@CountryConcerned=%20viet%20nam))&Language=ENGLISH&Context=FomerScriptedSearch&languageUIChanged=true# (truy cập ngày 15/4/2019)
Tác giả: Tào Thị Huệ
Giảng viên Khoa pháp luật thương mại quốc tế – Trường Đại học Luật Hà Nội
Bài viết được đăng trong Kỷ yếu hội thảo “Tự do hóa thương mại dịch vụ trong Cộng đồng kinh tế Asean và thực tiễn thực hiện của Việt Nam” do Khoa pháp luật quốc tế – Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức ngày 5/6/2019