“TÍNH BẢO MẬT” TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ BẰNG TRỌNG TÀI TẠI MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Tính bảo mật (confidentiality) thường được nêu ra khi trình bày về những ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Là ưu điểm, bởi các phiên xét xử của trọng tài không phải công khai và các phán quyết trọng tài cũng không phải công bố
“TÍNH BẢO MẬT” TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ BẰNG TRỌNG TÀI TẠI MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Tóm tắt: “Tính bảo mật” luôn được coi là một ưu điểm của giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài. Tuy nhiên, cách tiếp cận về nội dung “tính bảo mật” tại các quốc gia có sự khác nhau. Bài viết này trình bày hai nội dung chính: (1) phân tích “tính bảo mật” trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam; (2) đưa ra một số bình luận, đề xuất nhằm thực thi hiệu quả “tính bảo mật” trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam.
Từ khóa: trọng tài, tính bảo mật, thỏa thuận bảo mật.
“Tính bảo mật (confidentiality) thường được nêu ra khi trình bày về những ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Là ưu điểm, bởi các phiên xét xử của trọng tài không phải công khai và các phán quyết trọng tài cũng không phải công bố”.[1]
Ưu điểm này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp đối với vấn đề bảo mật trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. “Điều này có thể được giải thích bằng hai yếu tố: Thứ nhất, tầm quan trọng của tài sản phi vật chất, như quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết và danh tiếng. Ngày nay, những tài sản này là tài sản quý giá nhất của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới; thứ hai, số lượng lớn các thông tin chi tiết và quan trọng mà cả hai bên tranh chấp được yêu cầu đưa ra trong quá trình tố tụng trọng tài”.[2]
Nhưng “tính bảo mật” trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại trọng tài không mang tính tuyệt đối. Nội dung và giới hạn của “tính bảo mật” phụ thuộc vào quy định của các nguồn luật cụ thể điều chỉnh tố tụng trọng tài. Và thậm chí, phán quyết trọng tài có thể bị tòa án có thẩm quyền tuyên hủy, nếu không tuân thủ “tính bảo mật”.[3] Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày “tính bảo mật” trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra bình luận, cùng những đề xuất, nhằm thực thi hiệu quả “tính bảo mật” trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam.
1. “Tính bảo mật” trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài tại Vương quốc Anh (United Kingdom – UK)
Tại Vương quốc Anh, hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Trọng tài năm 1996 (Arbitration Act 1996).[4] Theo quy định tại Mục 2 (Section 2), phạm vi điều chỉnh của Luật Trọng tài năm 1996 rất rộng:
Thứ nhất, Luật này có hiệu lực với những trọng tài có nơi tiến hành trọng tài tại Anh, xứ Wales hoặc Bắc Ireland.[5]
Thứ hai, nếu trọng tài được tiến hành bên ngoài nước Anh và xứ Wales hoặc Bắc Ireland hoặc không xác định được nơi tiến hành trọng tài, thì trọng tài có thể bị điều chỉnh bởi các mục: (a) các Mục từ 9 đến 11 (các thủ tục pháp lý), và (b) Mục 66 (thi hành phán quyết trọng tài).
Nhưng, Luật Trọng tài năm 1996 lại không có quy định cụ thể nào về tính bảo mật của trọng tài. Do đó, vấn đề này được xác định thông qua thực tiễn xét xử tại tòa án của Vương quốc Anh.
Thực tiễn xét xử tại tòa án của Vương quốc Anh cho thấy, bảo mật các vấn đề liên quan đến phiên họp xét xử, đến các tài liệu được công bố hoặc đưa ra trong quá trình giải quyết tranh chấp là nghĩa vụ của các bên và của trọng tài viên: “Trừ trường hợp ngoại lệ, tất cả tài liệu được tạo ra hoặc được tiết lộ trong tố tụng trọng tài phải được bảo mật. Tài liệu được đưa ra nhằm mục đích giải quyết tranh chấp tại trọng tài phải bảo mật, vì đây là nội dung được ngầm hiểu khi các bên có thỏa thuận lựa chọn trọng tài thay vì tố tụng tại tòa án. Nghĩa vụ bảo mật cũng áp dụng với các bản biên hộ, lập luận, biên bản, các chứng cứ và lời khai của nhân chứng.”[6] Nếu cho phép công khai các tài liệu trên cho bên thứ ba, thì sẽ làm thay đổi tính chất “tư” của trọng tài.
Tuy nhiên, các phán quyết được bảo mật, trừ trường hợp sử dụng để thực thi hoặc khiếu nại về phán quyết trọng tài. Nghĩa vụ bảo mật các bản biên hộ, lập luật, biên bản, các chứng cứ và lời khai của nhân chứng cũng có ngoại lệ, đó là khi cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của một bên tranh chấp, của trọng tài hoặc thiết lập quyền với bên thứ ba.[7]
Hiện nay, các phán quyết của trọng tài, của tòa án các quốc gia liên quan đến Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) được công bố rất nhiều trên website chính thức của Ủy ban của Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL)[8] và của Đại học Pace (Hoa Kỳ).[9] Song, phán quyết của trọng tài tại Vương quốc Anh không được công khai. Trên website của UNCITRAL có 22 phán quyết của tòa án Vương quốc Anh,[10] không có phán quyết trọng tài nào được công bố. Và trên website của Đại học Pace (Hoa Kỳ) chỉ có 07 phán quyết của tòa án Vương quốc Anh.[11]
Trên thực tế, Tòa trọng tài quốc tế London (London Court of International Arbitration – LCIA) là một trung tâm trọng tài nổi tiếng tại Vương quốc Anh, được thành lập từ năm 1883, cũng tuân thủ tuyệt đối “tính bảo mật”. Trên website chính thức của mình,[12] LCIA chỉ công khai các quyết định giải quyết khiếu nại (Challenge) về phán quyết trọng tài. Đến ngày 05/10/2018, có danh sách của 32 quyết định.[13] Trong các quyết định này, chỉ có phần tóm tắt ngắn gọn về vụ tranh chấp liên quan theo trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp. Phần tóm tắt này không phải phán quyết trọng tài, không nêu nội dung vụ tranh chấp và dài khoảng 01 đến 03 trang.
2. “Tính bảo mật” trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài tại Hoa Kỳ
Đạo luật cơ bản quy định về trọng tài tại Hoa Kỳ là Luật trọng tài liên bang Hoa Kỳ (US Federal Arbitration Act – FAA).[14] Đạo luật này cũng không quy định về “tính bảo mật” của trọng tài. Và thực tiễn xét xử tại tòa án của Hoa Kỳ lại trái ngược với thực tiễn của Vương quốc Anh. Tòa án tại Hoa Kỳ cho rằng, thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài không được hiểu là thỏa thuận về tính bảo mật của trọng tài.[15] Nói chung, các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên và bất kỳ điều khoản nào trong các quy tắc trọng tài được các bên lựa chọn.
Trong Quy tắc đạo đức nghề nghiệp (AAA Statement of Ethical Principles ) do Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ (American Arbitration Association – AAA) ban hành có quy định về “tính bảo mật” (Confidentiality):
“Thủ tục tố tụng trọng tài là một quy trình không công khai. Các nhân viên của AAA có nghĩa vụ đạo đức về bảo mật thông tin. Tuy nhiên, AAA không can thiệp việc liệu các bên nên hoặc không nên thỏa thuận về bảo mật thủ tục và phán quyết trọng tài giữa họ hay không. Các bên luôn có quyền tiết lộ thông tin, trừ khi họ có thỏa thuận bảo mật (confidentiality agreement) cụ thể.”[16]
Và “Trọng tài được bảo mật nếu các bên tranh chấp thỏa thuận như vậy, theo các quy tắc và thủ tục của AAA được công bố trên website chính thức và trong ấn phẩm do AAA phát hành.”[17]
Theo đó, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ cũng đồng nhất với Luật trọng tài liên bang Hoa Kỳ. Giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thừa nhận có có “tính bảo mật”. Nhưng chỉ khi các bên có thỏa thuận bảo mật, thì thủ tục và phán quyết trọng tài giữa họ mới được bảo mật.
3. “Tính bảo mật” trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, văn bản trực tiếp điều chỉnh hoạt động trọng tài là Luật trọng tài năm 1994 (Arbitration Law 1994).[18] Văn bản này quy định về “tính bảo mật” trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài tại Điều 40 như sau: “Trọng tài phải được tiến hành không công khai. Nếu các bên đồng ý tiến hành công khai, trọng tài có thể công bố các thông tin của vụ tranh chấp, trừ các thông tin liên quan đến bí mật của Nhà nước.”
Thực tế, các trung tâm trọng tài có thể tự quy định vấn đề này trong Quy tắc trọng tài của mình. Ví dụ, Ủy ban Trọng tài kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc (China International Economic and Trade Arbitration Commission – CIETAC) đã ban hành Quy tắc trọng tài (Arbitration Rules) của mình và trong đó có quy định về tính bảo mật tại Điều 38:
“1. Phiên họp xét xử của trọng tài là họp kín. Trong trường hợp cả hai bên yêu cầu phiên xét xử công khai, thì Hội đồng trọng tài sẽ ra quyết định.
-
Đối với trường hợp họp kín, các bên và đại diện của họ, trọng tài viên, nhân chứng, thông dịch viên, chuyên gia, người thẩm định do Hội đồng trọng tài bổ nhiệm và những người liên quan khác không tiết lộ cho bất kỳ người ngoài nào thông tin hoặc các vấn đề về thủ tục liên quan đến vụ tranh chấp.”[19]