TRANH CHẤP VỀ ĐỐI XỬ ĐẶC BIỆT VÀ KHÁC BIỆT DÀNH CHO CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN THEO CÁC HIỆP ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN SẢN PHẨM TẠI WTO
Khi cân nhắc các lợi ích khác nhau đang bị đe dọa (trong vụ này là bảo vệ sức khoẻ con người với nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển), EC không nhất thiết phải dành ưu tiên cho các nhu cầu của Argentina với tư cách là một quốc gia đang phát triển. Đặc biệt, kể cả khi EC không dành cho Argentina sự đối xử đặc biệt và khác biệt so với các nước xuất khẩu là nước phát triển khác, thì cũng không chứng tỏ biện pháp của EC mâu thuẫn với khoản 1 Điều 10.
TRANH CHẤP VỀ ĐỐI XỬ ĐẶC BIỆT VÀ KHÁC BIỆT
DÀNH CHO CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN
THEO CÁC HIỆP ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN SẢN PHẨM TẠI WTO
ThS. Tào Thị Huệ
Khoa Pháp luật thương mại quốc tế
Trường Đại học Luật Hà Nội
Tóm tắt: Theo các hiệp định về tiêu chuẩn sản phẩm của WTO, các thành viên là nước đang phát triển được đối xử đặc biệt và khác biệt. Tranh chấp chủ yếu liên quan tới quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt là nước thành viên khi ban hành các quy định trong nước về tiêu chuẩn sản phẩm cần tính đến nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển. Nghiên cứu thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan tới vấn đề này có thể mang lại nhiều kinh nghiệm đối với Việt Nam ở vị thế là một nước đang phát triển. Bài viết này sẽ trình bày về nội dung của quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt, thực tiễn giải quyết tranh chấp và các vấn đề pháp lý quan trọng trong giải thích và áp dụng quy định này theo các hiệp định về tiêu chuẩn sản phẩm tại WTO. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam khi vận dụng những quy định này khi tham gia giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO.
Từ khoá: đối xử đặc biệt và khác biệt, hiệp định TBT, hiệp định SPS, nước đang phát triển
Các hiệp định về tiêu chuẩn sản phẩm của WTO gồm Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) và Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) đều có quy định đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển tại các điều khoản tương ứng là Điều 10 và Điều 12. Tranh chấp liên quan đến quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển trong Hiệp định SPS và Hiệp định TBT luôn là tranh chấp giữa bên nguyên đơn – nước đang phát triển/kém phát triển nhất với bị đơn – nước phát triển. Thực tế cho thấy, giải quyết tranh chấp của WTO về quy định này chỉ liên quan tới nội dung tại khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS và khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT. Nguyên nhân có thể do hai khoản này đưa ra nghĩa vụ thực chất cho thành viên WTO (là nước phát triển) dành sự đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển, chứ không chỉ là sự tuyên bố chung. Với vị thế là nước đang phát triển trong WTO, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ những quy định trên. Nhưng nhìn chung, các quy định này không rõ ràng và cũng không dễ chứng minh. Chính vì vậy, nghiên cứu những kết luận và giải thích trong báo cáo đã được thông qua của Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm sẽ mang đến những kinh nghiệm cho Việt Nam khi tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO.
-
Quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến nội dung đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển theo Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật
– Quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển
Hiệp định về áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) quy định đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển tại Điều 10, có tên gọi Đối xử đặc biệt và khác biệt. Điều 10 đưa ra nhiều quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho nước đang phát triển như: (1) thành viên là nước phát triển, khi chuẩn bị và áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật, các thành viên này sẽ tính đến các nhu cầu đặc biệt của các thành viên đang phát triển, và đặc biệt là các thành viên kém phát triển (khoản 1); (2) nếu mức độ bảo vệ của biện pháp kiểm dịch động thực vật mới có thể được áp dụng dần dần theo từng giai đoạn, thì đối với các sản phẩm mà thành viên đang phát triển có nhu cầu để duy trì cơ hội xuất khẩu sang nước phát triển, sẽ được áp dụng các khung thời gian dài hơn để thích ứng và tuân thủ (khoản 2); …
– Thực tiễn giải quyết tranh chấp tiêu biểu liên quan đến nội dung đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển
Tính đến tháng 5/2022, tại WTO có 52 vụ tranh chấp[1] viện dẫn đến Hiệp định SPS trong yêu cầu tham vấn. Nhưng số lượng tranh chấp về Điều 10 có số lượng không đáng kể. Theo thống kê của tác giả, có hai (02) vụ[2] Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm áp dụng Điều 10 của Hiệp định SPS là EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293)[3] và Hoa Kỳ – Các sản phẩm từ động vật (DS 447)[4]. Hai vụ tranh chấp này cũng chỉ áp dụng khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS về thành viên là nước phát triển khi chuẩn bị và áp dụng các biện phápSPS sẽ tính đến các nhu cầu đặc biệt của các thành viên đang phát triển và các thành viên kém phát triển, chứ không phải toàn bộ nội dung Điều 10.
EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293) là vụ tranh chấp đầu tiên tại WTO liên quan đến quy định đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển trong các hiệp định về tiêu chuẩn sản phẩm nói chung và Hiệp định SPS nói riêng. Báo cáo giải quyết tranh chấp được thông qua của Ban hội thẩm mang lại nhiều kết luận có giá trị cho các vụ tranh chấp tương tự về sau. Cụ thể, Ban hội thẩm vụ tranh chấp này đã đưa ra kết luận về một số khía cạnh pháp lý khi giải thích và áp dụng khoản 1 Điều 10, làm sáng tỏ những nội dung chưa rõ ràng của quy định này như: (1) cụm từ “tính đến” (take account of) nhu cầu đặc biệt của các thành viên đang và kém phát triển, (2) nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn về việc bị đơn đã không “tính đến” nhu cầu đặc biệt của các thành viên đang và kém phát triển. Những kết luận này được Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Các sản phẩm từ động vật (DS 447) cũng đồng ý và áp dụng theo. Thêm vào đó, nhiều kết luận của Ban hội thẩm vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293) cũng được Ban hội thẩm vận dụng trong giải quyết tranh chấp liên quan tới khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT xảy ra sau đó.
– Những vấn đề pháp lý liên quan tới khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS trong báo cáo của Ban hội thẩm vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293)
(i) Thứ nhất, về cụm từ “tính đến” (take account of) nhu cầu đặc biệt của các thành viên đang và kém phát triển
Nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS là: thành viên nhập khẩu phải “tính đến” nhu cầu đặc biệt của các thành viên đang phát triển. Từ điển định nghĩa cụm từ “tính đến” là “cân nhắc cùng với các yếu tố khác trước khi đi đến quyết định”. Trong vụ tranh chấp này, Cộng đồng Châu Âu (EC) phải tính đến lợi ích của các thành viên là nước đang phát triển trong việc áp dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật của mình có nghĩa là EC có thể đồng thời tính đến các lợi ích hợp pháp khác, ngoài nhu cầu của các thành viên đang phát triển, bao gồm lợi ích của người tiêu dùng, môi trường, … Khi cân nhắc các lợi ích khác nhau đang bị đe dọa (trong vụ này là bảo vệ sức khoẻ con người với nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển), EC không nhất thiết phải dành ưu tiên cho các nhu cầu của Argentina với tư cách là một quốc gia đang phát triển. Đặc biệt, kể cả khi EC không dành cho Argentina sự đối xử đặc biệt và khác biệt so với các nước xuất khẩu là nước phát triển khác, thì cũng không chứng tỏ biện pháp của EC mâu thuẫn với khoản 1 Điều 10.
Thậm chí, theo Ban hội thẩm, ngay cả trong trường hợp một biện pháp kiểm dịch động thực vật của nước nhập khẩu có thể dẫn đến việc làm giảm hoặc việc tăng sản lượng xuất khẩu của các nước đang phát triển chậm hơn, thì khoản 1 Điều 10 không yêu cầu thành viên nhập khẩu luôn phải dành sự đối xử đặc biệt và khác biệt cho nước đang phát triển đó.
Như vậy, cụm từ “tính đến” nhu cầu đặc biệt của các thành viên đang và kém phát triển không được hiểu là thành viên nhập khẩu phải chủ động dành quyền ưu tiên cho các sản phẩm của nước đang phát triển khi áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật.
(ii) Thứ hai, về nghĩa vụ chứng minh theo khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS
Hiệp định về các quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO (DSU) không có quy định nghĩa vụ chứng minh của hai bên tranh chấp. Hiệp định SPS cũng không có quy định về vấn đề này.
Trong vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293), có hai vấn đề cần chứng minh theo Khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS đã được đưa ra, đó là: (1) nghĩa vụ chứng minh bị đơn (thành viên là nước phát triển) đã không “tính đến” (take account of) các nhu cầu đặc biệt của nước đang phát triển trong việc đưa ra quyết định của mình; (2) nhu cầu đặc biệt (special needs) của nước phát triển đã được xác định rõ ràng cho thành viên nhập khẩu (là nước phát triển) hoặc tự thành viên nhập khẩu đã xác định được.
Với nghĩa vụ chứng minh bị đơn (thành viên là nước phát triển) đã không “tính đến” các nhu cầu đặc biệt của nước đang phát triển trong việc đưa ra quyết định của mình theo khoản 1 Điều 10, Ban hội thẩm vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293) kết luận rằng nghĩa vụ này thuộc về bên nguyên đơn. Chính vì vậy, khi nguyên đơn Argentina lập luận rằng EC không đưa ra bằng chứng để chứng minh rằng họ đã tính đến nhu cầu đặc biệt của Argentina với tư cách là nước đang phát triển đã không được Ban hội thẩm đồng ý. Argentina là nguyên đơn, họ phải đưa ra bằng chứng cũng như lập luận đủ để chứng minh EC đã không tính đến nhu cầu đặc biệt của Argentina – một nước đang phát triển.
Nghĩa vụ chứng minh nhu cầu đặc biệt (special needs) của nước phát triển đã được xác định rõ ràng cho thành viên nhập khẩu (là nước phát triển) hoặc tự thành viên nhập khẩu đã xác định được, Ban hội thẩm vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293) kết luận rằng nghĩa vụ này cũng thuộc về bên nguyên đơn. Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Các sản phẩm từ động vật (DS 447) cũng đồng tình với kết luận này, và cho rằng: Nếu một thành viên là nước đang phát triển có thể chứng minh rằng thành viên nhập khẩu (là nước phát triển) đã biết hoặc có thể tự xác định được các nhu cầu đặc biệt của mình thì nghĩa vụ chứng minh sẽ tiếp tục chuyển sang bị đơn. Nếu bị đơn không biết về nhu cầu đặc biệt của nguyên đơn thì nguyên đơn khó có thể viện dẫn khoản 1 Điều 10[5].
(iii) Thứ ba, nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát riển
Ban hội thẩm vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293) đã không giải thích cụm từ “nhu cầu đặc biệt” (special needs) của các nước thành viên đang phát triển theo khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS. Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Các sản phẩm từ động vật (DS 447) đã diễn giải thuật ngữ “nhu cầu đặc biệt” của các thành viên là nước đang phát triển sẽ bao hàm: cả nhu cầu của các thành viên là nước đang phát triển nói chung và nhu cầu của một nước đang phát triển cụ thể. Vì chỉ áp dụng cho nhu cầu của từng nước đang phát triển sẽ xóa bỏ nghĩa vụ áp dụng chung đối với các biện pháp kiểm dịch động thực vật và Ban hội thẩm thấy không có cơ sở để làm như vậy[6].
-
Quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến nội dung đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển theo Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại
– Quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển
Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) quy định đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển tại Điều 12. Theo đó, các thành viên là nước đang phát triển sẽ được các thành viên là nước phát triển dành sự đối xử đặc biệt và khác biệt về các vấn đề như: (1) các thành viên khi chuẩn bị và áp dụng các quy địnhkỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật và các thủ tục đánh giá sự phù hợp, sẽ xem xét các nhu cầu đặc biệt về phát triển, tài chính và thương mại của các thành viên đang phát triển. Mục đích của việc xem xét các nhu cầu đặc biệt của thành viên đang phát triển là để đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và các thủ tục đánh giá sự phù hợp không tạo ra các trở ngại không cần thiết cho xuất khẩu của các nước thành viên đang phát triển (khoản 3 Điều 12); (2) để phù hợp với nhu cầu phát triển của nước thành viên đang phát triển, các thành viên WTO công nhận rằng, các nước thành viên đang phát triển sẽ không bị yêu cầu sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế làm cơ sở cho các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của mình, trong đó có các biện pháp thử nghiệm, không phù hợp với các nhu cầu đặc biệt về tài chính, thương mại và phát triển của nước thành viên đang phát triển (khoản 4 Điều 12); …
– Thực tiễn giải quyết tranh chấp tiêu biểu liên quan đến nội dung đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển
Tính đến tháng 5/2022, tại WTO có 57 vụ tranh chấp có viện dẫn Hiệp định TBT trong yêu cầu tham vấn[7]. Nhưng theo thống kê của tác giả, chỉ có hai (02)[8] vụ tranh chấp Ban hội thẩm[9] áp dụng Điều 12 Hiệp định TBT là Hoa Kỳ – COOL (DS384, 386)[10] và Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406)[11]. Hai vụ tranh chấp này cũng chỉ tập trung vào nội dung của khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT về vấn đề: khi chuẩn bị và áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thành viên là nước phát triển sẽ tính đến các nhu cầu đặc biệt về phát triển, tài chính và thương mại của các thành viên đang phát triển để đảm bảo biện pháp hàng rào kỹ thuật trong thương mại, không tạo ra các trở ngại không cần thiết cho xuất khẩu của các nước thành viên đang phát triển.
Trong hai vụ tranh chấp liên quan tới Điều 12 Hiệp định TBT nêu trên, tác giả lựa chọn vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406). Bởi, so với vụ Hoa Kỳ – COOL (DS384, 386), Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406) giải quyết nhiều vấn đề pháp lý liên quan tới khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT hơn. Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406) không chỉ giải thích ba vấn đề nguyên đơn cần chứng minh theo khoản 3 Điều 12, mà còn giải quyết các vấn đề cụ thể như xác định “nước đang phát triển”. Đồng thời, đây cũng là vụ tranh chấp đầu tiên giải thích và áp dụng cụm từ “tính đến” (take account of) trong khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT.
– Những vấn đề pháp lý liên quan tới khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT trong báo cáo của Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406)
(i) Thứ nhất, về việc xác định Indonesia có phải là nước đang phát triển (developing country) hay không?
Indonesia tuyên bố rằng họ là một quốc gia đang phát triển và lập luận rằng, Ngân hàng Thế giới (World Bank) phân loại quốc gia này là một quốc gia đang phát triển. Thành viên của WTO cũng đã công nhận như vậy trong vụ Indonesia – Ô tô (DS 54)[12]. Ban Hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406) cho rằng những căn cứ nêu trên là quá đủ để kết luận rằng Indonesia là một “quốc gia đang phát triển”.
Kết luận về việc Indonesia là một quốc gia đang phát triển của Ban hội thẩm trong vụ tranh chấp này cho thấy, vì WTO không có định nghĩa nào về các nước “phát triển” và “đang phát triển”, nên các thành viên tự tuyên bố xem họ là nước “phát triển” hay “đang phát triển”. Nhưng việc tự tuyên bố vẫn có thể bị phản đối bởi bị đơn. Do vậy, để có cơ sở vững chắc cho tuyên bố của mình, nguyên đơn nên viện dẫn cách phân loại các nước “phát triển” và “đang phát triển” của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (UN), hay Ngân hàng thế giới (WB). Ngoài ra, nếu nguyên đơn đã được thừa nhận là nước đang phát triển trong báo cáo giải quyết tranh chấp đã được thông qua tại WTO, thì đây cũng là một cơ sở đáng tin cậy để thuyết phục Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm.
(ii) Thứ hai, nhu cầu đặc biệt về phát triển, tài chính và thương mại (special development, financial and trade needs) bị ảnh hưởng bởi biện pháp bị kiện
Nhu cầu đặc biệt về phát triển, tài chính và thương mại (special development, financial and trade needs) trong bối cảnh khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT là một cụm từ không rõ ràng, cần được giải thích. Tuy nhiên, Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406) không giải thích ý nghĩa cụm từ này. Ban hội thẩm vụ cho rằng, dù ý nghĩa chính xác của các thuật ngữ “nhu cầu đặc biệt về phát triển, tài chính và thương mại” là gì, thì Indonesia cũng đã đáp ứng yêu cầu là một quốc gia đang phát triển có “nhu cầu đặc biệt về phát triển, tài chính và thương mại” bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm thuốc lá đinh hương của Hoa Kỳ. Bởi Indonesia đã chứng minh được bằng hai lý do[13]: (1) Tầm quan trọng của thuốc lá đinh hương đối với nền kinh tế và người dân của Indonesia. Thuốc lá đinh hương đã được sản xuất ở Indonesia trong hơn một thế kỷ qua; ước tính có khoảng 6 triệu người Indonesia làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc sản xuất thuốc lá và trồng thuốc lá; ngành công nghiệp thuốc lá, bao gồm cả cây đinh hương, chiếm khoảng 1,66% tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia (GDP); và Indonesia đã xuất khẩu thuốc lá đinh hương sang Hoa Kỳ trong hơn 40 năm; (2) do lệnh cấm của Hoa Kỳ, số lượng thuốc lá đinh hương sản xuất tại Indonesia nhập khẩu vào Hoa Kỳ đã giảm từ khoảng 15 triệu USD năm 2008 xuống còn 0 vào năm 2010.
(iii) Thứ ba, viện dẫn và áp dụng giải thích cụm từ “tính đến” (take account of) trong báo cáo đã được thông qua của Ban hội thẩm đã được Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB) thông qua trước đó
Related Posts
Ban hội thẩm vụ này đã nêu rằng, Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406) là vụ tranh chấp đầu tiên đề cập đến cụm từ “tính đến” (take account of) theo khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT trong giải quyết tranh chấp. Nhưng khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT được Ban hội thẩm vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293) đã mô tả là “điều khoản tương đương” (equivalent provision) với khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS[14]. Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406) đồng ý và viện dẫn lại cách giải thích của Ban hội thẩm vụ Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293) về nghĩa vụ “tính đến” nhu cầu của các thành viên là nước đang phát triển, cũng như trách nhiệm chứng minh theo quy định này thuộc về bên nguyên đơn.
Việc viện dẫn và thực hiện theo báo cáo đã được thông qua của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm WTO góp phần đảm bảo tính an toàn, cũng như khả năng dự đoán của hệ thống thương mại đa phương [15], phù hợp với khoản 2 Điều 3 DSU[16]. Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – COOL (DS384, 386) cũng đã viện dẫn và đồng tình với quan điểm của Ban hội thẩm vụ Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293) về cách giải thích nghĩa vụ “tính đến” nhu cầu của các thành viên là nước đang phát triển[17].
-
Một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Trên cơ sở những kết luận và giải thích trong báo cáo đã được thông qua của Ban hội thẩm của các vụ tranh chấp nêu trên. Cụ thể, tác giả đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam khi tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO như sau:
– Một là, nghĩa vụ chứng minh luôn thuộc về nguyên đơn – nước đang phát triển
Mặc dù, khi chuẩn bị và áp dụng các quy định kỹ thuật, các nước phát triển có nghĩa vụ tính đến các nhu cầu đặc biệt về phát triển, tài chính hoặc thương mại của nước đang phát triển. Cụ thể là tính đến nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển nói chung, chứ không phải tính đến nhu cầu đặc biệt của riêng nước nguyên đơn.
Báo cáo của Ban hội thẩm vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293), cũng như vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406) cho thấy, việc chứng minh bị đơn vi phạm khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS hoặc khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT nói chung, hay chứng minh các nước phát triển không tính đến các nhu cầu đặc biệt, nhu cầu đặc biệt về phát triển, tài chính hoặc thương mại của nước đang phát triển nói riêng, ngay từ đầu đã thuộc về nguyên đơn. Trong vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293), Argentina đưa ra khiếu kiện về Khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS không rõ ràng, không xác định rõ nghĩa vụ của mình là chứng minh dẫn đến kết quả Ban hội thẩm đã kết luận Argentina thất bại trong việc chứng minh biện pháp của EC không phù hợp điều khoản trên.
Nếu tham gia tranh chấp, chỉ khi Việt Nam với tư cách nguyên đơn chứng minh phải được vấn đề này, thì bị đơn mới cần đưa ra lập luận và tài liệu, chứng cứ về việc họ đã tính đến nhu cầu này của nguyên đơn khi ban hành quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp.
Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý việc chứng minh bị đơn không nghĩa tính đến nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển là một việc không dễ dàng. Thực tế giải quyết tranh chấp tại WTO cho thấy, khi nguyên đơn là nước đang phát triển viện dẫn khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS hoặc khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT, họ thường không chứng minh được vấn đề này. Trong vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293), khi Argentina cho rằng EC đã không tuân thủ Khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS khi chuẩn bị và áp dụng biện pháp SPS, nhưng họ lại không chứng minh được EC đã không “tính đến” (take account of) các nhu cầu của nước đang phát triển trong việc đưa ra quyết định của mình. Hoặc trong vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406) Indonesia đã không chứng minh được rằng, Hoa Kỳ đã không “tính đến” các nhu cầu đặc biệt về tài chính, thương mại và phát triển của Indonesia.
– Hai là, về điều kiện tiên quyết để viện dẫn và chứng minh theo khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS và khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT
Điều kiện tiên quyết để viện dẫn và chứng minh theo khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS và khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT là nguyên đơn phải chứng minh họ là nước đang phát triển hoặc là nước kém phát triển nhất. Quy định về về đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển theo các Hiệp định về tiêu chuẩn sản phẩm chỉ dành cho những nước thành viên này. Indonesia là ví dụ thành công về việc chứng minh vấn đề này trong vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406). Trước hết phải có sự tuyên bố, Indonesia đưa ra tuyên bố họ là nước đang phát triển với hai lý do chính: (1) Ngân hàng Thế giới (World Bank) phân loại quốc gia này là một quốc gia đang phát triển; (2) Thành viên của WTO đã công nhận trong vụ Indonesia – Ô tô (DS 54). Đây là những lý do có thể dễ dàng kiểm chứng và cũng dễ dàng thuyết phục được Ban hội thẩm. Lưu ý rằng, bên cạnh phân loại các quốc gia (Country classifications) của Ngân hàng thế giới (WB), thì Việt Nam cũng có thể viện dẫn phân loại của Liên hợp quốc. Theo phân loại năm 2021 của Liên hợp quốc, Việt Nam là nước đang phát triển[18].
– Ba là, về việc viện dẫn báo cáo của Ban hội thẩm đã được thông qua trước đó
Việt Nam cần lưu ý khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS và khoản 3 Điều 12 được giải thích và áp dụng tương tự nhau. Về mặt văn bản, hai quy định này có nội dung tương tự nhau. khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS và khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT yêu cầu rằng khi chuẩn bị và áp dụng các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp, các Thành viên phải tính đến (take account of) các nhu cầu đặc biệt (special needs) của các thành viên là nước đang phát triển.
Khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT là “điều khoản tương đương” (equivalent provision) với khoản 1 Điều 10 của Hiệp định SPS. Đó là kết luận của vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293). Trước vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406), không có vụ tranh chấp nào giải thích nghĩa vụ trong khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT là phải “tính đến” các nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển, Ban hội thẩm đã viện dẫn và áp dụng theo cách giải thích khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS trong báo cáo của Ban hội thẩm vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293). Do vậy, nếu tham gia vào tranh chấp liên quan tới khoản 3 Điều 12 Hiệp định TBT hoặc khoản 1 Điều 10 Hiệp định SPS, Việt Nam có thể viện dẫn báo cáo giải quyết tranh chấp của cả hai quy định này để tăng tính thuyết phục cho lập luận của mình./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Báo cáo của Ban hội thẩm vụ EC – Phê chuẩn và tiếp thị các sản phẩm công nghệ sinh học (DS 291, 292, 293)
-
Báo cáo của Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – COOL (DS384, 386)
-
Báo cáo của Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Các sản phẩm từ động vật (DS 447)
-
Báo cáo của Ban hội thẩm vụ Hoa Kỳ – Thuốc lá đinh hương (DS 406)
-
James Bacchus and Simon Lester, Of Precedent and Persuasion – The Crucial Role of an Appeals Court in WTO Disputes, CATO Institute, Free Trade Bulletin – Herbert A. Stiefel Center for Trade Policy Studies, September 12, 2019, Number 74, p.2, https://www.cato.org/free-trade-bulletin/precedent-persuasion-crucial-role-appeals-court-wto-disputes#precedent-and-predictability
-
United Nations, World Economic Situation and Prospects 2021 – Statistical annex – Country classification, p. 126, https://www.un.org/development/desa/dpad/wp-content/uploads/sites/45/WESP2021_ANNEX.pdf
7. WTO, Disputes by agreement (as cited in request for consultations),https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_agreements_index_e.htm
-
WTO, Chronological list of disputes cases, xem tại: https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_status_e.htm, truy cập ngày 6/6/2022
-
WTO, WTO Dispute Settlement: One-Page Case Summaries 1995-2020, https://www.wto.org/english/res_e/booksp_e/dispu_settl_1995_2020_e.pdf