Cuốn sách Thuật xử thế của người xưa
Và thuật xử thế của người Á Đông có thể gói gọn trong một chữ Lễ.
Cuốn sách Thuật xử thế của người xưa
Cảm nghĩ của người đọc: Tào Thị Huệ
Với tựa đề cuốn sách Thuật xử thế của người xưa, tôi đã tự ngẫm rằng đây là cuốn sách về kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống của con người. Nhưng quả thực, tác giả sẽ viết như thế nào, để biến những “kinh nghiệm” trở thành “thuật”?
Cuốn sách không quá dày, không quá lớn, kể cả bìa cũng chỉ khoảng 140 trang. Khổ giấy nhỏ, màu bìa và giấy đậm chất hoài cổ, đặt lên giá sách thì thật nhỏ bé. Nhưng cuốn sách có sức lôi cuốn kỳ lạ. Tôi cho rằng, cuốn sách sẽ thật hữu ích, giúp ta rèn luyện bản thân, đặc biệt trong hoàn cảnh mà “cái tôi”, “lòng tự ái” của bản thân quá lớn.
Theo tác giả, tất cả mật pháp của thuật xử thế gồm hai nguyên tắc quan trọng là:
- Chớ chạm vào lòng tự ái của ai cả;
- Ẩn ác dương thiện.
Và thuật xử thế của người Á Đông có thể gói gọn trong một chữ Lễ.
Lễ là nhún nhường, đem cái bản ngã của mình để sau kẻ khác, nhưng không phải vì giả dối để mưu lợi cho mình. Lễ, là tránh cái đau khổ cho bản ngã của người khác, bằng cách hy sinh bản ngã của mình. Lễ, là không chạm tới lòng tự ái của ai cả. Lễ, là che cái xấu, giấu cái dở và biểu dương cái hay cái đẹp của người khác. Phải là một người không ích kỷ, diệt được cái bản ngã của mình rồi mới làm nổi việc này, làm một cách thản nhiên, vô tư lợi,…
Người trên với kẻ dưới phải cẩn thận nhiều với chữ Lễ, vì kẻ dưới với tâm cảm tự ti của họ, khó mà tha thứ những điều sơ xuất của ta về lễ độ.
Trong tình bạn, kẻ có tài hoa, địa vị hơn bạn, càng phải biết gắt gao giữ gìn chữ Lễ trong tình giao hữu hàng ngày.
Có thể nói, thuật xử thế của người xưa thật khôn ngoan vô cùng, mà cũng nhân hậu vô cùng.
Thông tin cuốn sách: Thuật xử thế của người xưa
Tác giả: Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN
Nhà xuất bản trẻ
Năm phát hành: 2013