DS 406: Hoa Kỳ – Các biện pháp tác động đến sản xuất và mua bán thuốc lá chứa đinh hương
ndonesia cho rằng Mục 907 của Đạo luật trên, được ký ban hành vào ngày 22 tháng 6 năm 2009, trong đó nghiêm cấm việc sản xuất hoặc bán thuốc lá ở Hoa Kỳ có chứa một số chất phụ gia, bao gồm cả đinh hương, nhưng vẫn tiếp tục cho phép sản xuất và bán thuốc lá khác, bao gồm cả thuốc lá có chứa bạc hà. Do đó, Indonesia cáo buộc Mục 907 không phù hợp với Điều III: 4 của GATT 1994, Điều 2 của Hiệp định TBT và các điều khoản khác nhau của Hiệp định SPS.
DS 406: Hoa Kỳ – Các biện pháp tác động đến sản xuất và mua bán thuốc lá chứa đinh hương
DS 406: United States – Measures Affecting the Production and Sale of Clove Cigarettes
THAM VẤN
Ngày 7 tháng 4 năm 2010, Indonesia đã yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ về một số điều khoản của Đạo luật kiểm soát thuốc lá trong phòng chống hút thuốc gia đình năm 2009 (the Family Smoking Prevention Tobacco Control Act of 2009) quy định cấm thuốc lá có chứa đinh hương (clove). Indonesia cho rằng Mục 907 của Đạo luật trên, được ký ban hành vào ngày 22 tháng 6 năm 2009, trong đó nghiêm cấm việc sản xuất hoặc bán thuốc lá ở Hoa Kỳ có chứa một số chất phụ gia, bao gồm cả đinh hương, nhưng vẫn tiếp tục cho phép sản xuất và bán thuốc lá khác, bao gồm cả thuốc lá có chứa bạc hà. Do đó, Indonesia cáo buộc Mục 907 không phù hợp với Điều III: 4 của GATT 1994, Điều 2 của Hiệp định TBT và các điều khoản khác nhau của Hiệp định SPS.
GIAI ĐOẠN HỘI THẨM
Ban hội thẩm xác định tranh chấp này liên quan đến Mục 907 (a) (1) (A) của Đạo luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm Liên bang (FF FFAA), Mục này đã được bổ sung vào FFDCA theo quy định của Mục 101 (b) của Đạo luật Kiểm soát Thuốc lá và Ngăn chặn Hút thuốc trong Gia đình. Mục 907 (a) (1) (A) cấm sản xuất và bán thuốc lá có chứa đinh hương, cũng như hầu hết các loại thuốc lá có hương vị khác tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, biện pháp cấm này không áp dụng với thuốc lá có hương vị bạc hà. Indonesia là nhà sản xuất thuốc lá đinh hương chính trên thế giới và phần lớn thuốc lá đinh hương được tiêu thụ ở Hoa Kỳ trước khi có lệnh cấm là nhập khẩu từ Indonesia.
Bước đầu tiên trong phân tích của Ban hội thẩm là xác định liệu biện pháp bị khiếu kiện có nằm trong phạm vi của Hiệp định TBT hay không. Ban hội thẩm thấy rằng, Mục 907 (a) (1) (A) là một “Quy chuẩn kỹ thuật” (technical regulations) theo quy định của Phụ lục 1.1 của Hiệp định TBT. Sau đó, Ban hội thẩm đã xem xét các khiếu kiện của Indonesia theo các Điều 2.1, 2.2, 2.5, 2.8, 2.9, 2.10, 2.12 và 12.3 của Hiệp định TBT.
Ban hội thẩm thấy rằng lệnh cấm này không phù hợp với nghĩa vụ đối xử quốc gia tại Điều 2.1 của Hiệp định TBT vì thuốc lá đinh hương bị đối xử kém thuận lợi hơn (less favourable treatment) so với thuốc lá có mùi bạc hà. Ban hội thẩm cho rằng thuốc lá có mùi hương đinh hương và bạc hà là những sản phẩm tương tự theo quy định của Điều 2.1 của Hiệp định TBT, dựa trên những phát hiện thực tế rằng cả hai loại thuốc lá đều có hương vị và hấp dẫn giới trẻ. Vì biện pháp của Hoa Kỳ đã vi phạm Điều 2.1 của Hiệp định TBT, Ban hội thẩm đã từ chối phán quyết về khiếu kiện của Indonesia theo Điều III: 4 của GATT 1994, hoặc về cơ sở pháp lý để Hoa Kỳ khẳng định không vi phạm quy định của GATT 1994 là theo Điều XX (b) của GATT 1994 (chỉ được viện dẫn đối với khiếu kiện theo Điều III: 4 của GATT 1994).
Tuy nhiên, Ban hội thẩm đã bác bỏ khiếu kiện chính thứ hai của Indonesia, đó là lệnh cấm là không cần thiết. Về vấn đề này, Ban hội thẩm thấy rằng Indonesia đã không chứng minh rằng lệnh cấm đã làm hạn chế thương mại hơn mức cần thiết để thực hiện mục tiêu hợp pháp (trong trường hợp này là giảm hút thuốc cho thanh thiếu niên) theo nghĩa của Điều 2.2 của Hiệp định TBT. Kết luận của Ban hội thẩm cũng dựa trên nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ kết luận rằng cấm đinh hương và thuốc lá có hương vị khác có thể góp phần làm giảm việc hút thuốc ở thanh thiếu niên.
Liên quan đến các khiếu kiện khác của Indonesia theo Hiệp định TBT, Ban hội thẩm thấy rằng Hoa Kỳ đã hành động không nhất quán với Điều 2.9.2 (nghĩa vụ thông báo cho các Thành viên WTO về các quy chuẩn kỹ thuật) và Điều 2.12 (nghĩa vụ cho phép khoảng thời gian hợp lý giữa ban hành và có hiệu lực của quy chuẩn kỹ thuật). Tuy nhiên, Ban hội thẩm thấy rằng Indonesia không chứng minh được rằng Hoa Kỳ đã hành động không nhất quán với Điều 2.5 (nghĩa vụ đưa ra giải trình về dự thảo quy chuẩn kỹ thuật), Điều 2.8 (nghĩa vụ quy định một quy chuẩn kỹ thuật về hình thức thể hiện), Điều 2.9.3 (nghĩa vụ cung cấp chi tiết hoặc bản sao của quy định kỹ thuật được đề xuất) hoặc Điều 12.3 (nghĩa vụ phải tính đến sự phát triển đặc biệt, nhu cầu tài chính và thương mại của một Thành viên đang phát triển), và từ chối áp dụng yêu sách của Indonesia theo Điều 2.10 (nghĩa vụ đối với thông báo trong trường hợp khẩn cấp).
GIAI ĐOẠN KHÁNG CÁO VÀ PHÚC THẨM
Mục 907 (a) (1) (A) của Đạo luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm Liên bang Hoa Kỳ (FF FFAA) cấm sản xuất và bán thuốc lá ở Hoa Kỳ với các hương vị đặc trưng (như đinh hương, dâu tây, nho , cam, quế, dứa, vani, dừa, cam thảo, ca cao, sô cô la, anh đào hoặc cà phê), nhưng không cấm thuốc lá thông thường hoặc mùi bạc hà.
Ban hội thẩm trong tranh chấp này đã kết luận Mục 907 (a) (1) (A) không phù hợp với nghĩa vụ đối xử quốc gia của Điều 2.1 của Hiệp định TBT vì nó cấm thuốc lá đinh hương nhập khẩu từ Indonesia, nhưng không cấm thuốc lá bạc hà sản xuất trong nước. Ban hội thẩm cũng nhận thấy rằng bằng cách cho phép một khoảng thời gian dưới sáu tháng kể từ khi xuất bản và có hiệu lực của Mục 907 (a) (1) (A), Hoa Kỳ đã hành động không nhất quán với Điều 12.2 của Hiệp định TBT. Khi kháng cáo, Hoa Kỳ tuyên bố rằng Ban hội thẩm đã sai lầm khi phát hiện ra rằng thuốc lá đinh hương và thuốc lá bạc hà là các sản phẩm tương tự (“like” products) và trong việc kết luận rằng Mục 907 (a) (1) (A) đã đối xử với thuốc lá đinh hương nhập khẩu kém thuận lợi hơn so với các sản phẩm trong nước theo nghĩa của Điều 2.1 của Hiệp định TBT. Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng Ban hội thẩm đã sai lầm khi thấy rằng Hoa Kỳ đã hành động không phù hợp với Điều 2.12 của Hiệp định TBT.
Cơ quan phúc thẩm cuối cùng đã giữ nguyên kết luận của Ban hội thẩm rằng Mục 907 (a) (1) (A) không phù hợp với Điều 2.1 của Hiệp định TBT và Hoa Kỳ đã hành động không phù hợp với Điều 2.12 của Hiệp định TBT. Tuy nhiên, Cơ quan phúc thẩm không đồng ý với cách giải thích của Ban hội thẩm về các “sản phẩm tương tự” và “đối xử không kém thuận lợi hơn” (treatment no less favourable) trong Điều 2.1 của Hiệp định TBT.
Cơ quan phúc thẩm không đồng ý với Ban hội thẩm khi cho rằng các sản phẩm tương tự theo Điều 2.1 Hiệp định TBT nên được giải thích dựa trên mục đích điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Cơ quan phúc thẩm cho rằng việc xác định xem các sản phẩm có phải là tương tự hay không theo ý nghĩa của Điều 2.1 Hiệp định TBT hay không là xác định về mối quan hệ cạnh tranh giữa các sản phẩm, dựa trên phân tích các tiêu chí tương tự truyền thống, cụ thể là (1) đặc điểm vật lý, (2) mục đích sử dụng, (3) thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng và (4) phân loại thuế quan. Cơ quan phúc thẩm cho rằng các yêu cầu pháp lý đối với một biện pháp, chẳng hạn như các rủi ro sức khỏe liên quan đến sản phẩm, có thể dung để xác định về mối quan hệ cạnh tranh giữa các sản phẩm. Với cách giải thích này về khái niệm sản phẩm tương tự, Cơ quan phúc thẩm đã đồng ý với Ban hội thẩm rằng thuốc lá đinh hương và thuốc lá bạc hà là những sản phẩm tương tự, theo nghĩa của Điều 2.1 của Hiệp định TBT.
Cơ quan phúc thẩm giải thích nghĩa vụ đối xử đối xử không kém thuận lợi trong Điều 2.1 của Hiệp định TBT là không cấm tác động bất lợi đối với hàng nhập khẩu bắt nguồn từ việc phân loại hàng hóa hợp pháp. Để xác định liệu tác động bất lợi của biện pháp đối với hàng nhập khẩu có tạo ra sự đối xử kém thuận lợi hơn hay không, Ban hội thẩm phải xem xét kỹ lưỡng các vấn đề cụ thể, đó là thiết kế, cấu trúc, cách vận hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, và, kể cả khi quy chuẩn kỹ thuật đó được áp dụng một cách công bằng. Dựa trên cách giải thích đối xử không kém phần thuận lợi này, Cơ quan phúc thẩm nhận thấy rằng thiết kế, cấu trúc, việc vận hành và áp dụng Mục 907 (a) (1) (A) đã thể hiện rõ ràng sự tác động bất lợi đến các cơ hội cạnh tranh của thuốc lá đinh hương, phản ánh sự phân biệt đối xử với nhóm các sản phẩm tương tự được nhập khẩu từ Indonesia.
Cuối cùng, Cơ quan phúc thẩm tán thành kết luận của Ban hội thẩm rằng chỉ cho phép ba tháng kể từ khi ban hành đến thời điểm có hiệu lực của Mục 907 (a) (1) (A), Hoa Kỳ đã hành động không nhất quán với Điều 2.12 của Hiệp định TBT, khi được giải thích trong bối cảnh đã có khoản 5.2 của Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Doha (Doha Ministerial Decision) về Implementation-Related Issues and Concerns, yêu cầu tối thiểu sáu tháng giữa thời gian ban hành và có hiệu lực của một quy chuẩn kỹ thuật. Khi đưa ra kết luận này, Cơ quan phúc thẩm đã đồng ý với Ban hội thẩm rằng khoản 5.2 của Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Doha tạo thành một thỏa thuận tiếp theo giữa các bên, theo nghĩa của Điều 31 (3) (a) của Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế .
Tại cuộc họp ngày 24 tháng 4 năm 2012, DSB đã thông qua báo cáo của Cơ quan phúc thẩm và báo cáo của Ban hội thẩm, như được sửa đổi bởi báo cáo của Cơ quan phúc thẩm.
1. Lược dịch nội dung từ: DS406: United States — Measures Affecting the Production and Sale of Clove Cigarettes, xem tại: https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/cases_e/ds406_e.htm (truy cập ngày 31/8/2019)
2. Người dịch: Giảng viên Tào Thị Huệ – Khoa Pháp luật thương mại quốc tế – Trường Đại học Luật Hà Nội