30 năm Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại
Mục tiêu của TPRM là tăng cường tính minh bạch và hiểu biết về các chính sách và thông lệ thương mại của các thành viên WTO thông qua quá trình rà soát thường xuyên.
30 năm Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại
Vào ngày 12 tháng 4 năm 2019, Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại (TPRM) kỷ niệm 30 năm thành lập. TPRM được thành lập nhằm đảm bảo nâng cao nhận thức về các chính sách thương mại quốc gia thành viên WTO, TPRM là một trong những kênh chính được WTO sử dụng để thúc đẩy trách nhiệm giải trình, khả năng dự đoán và minh bạch – những giá trị cốt lõi của hệ thống thương mại đa phương.
Bối cảnh
Từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 4 năm 1989, Ủy ban Đàm phán Thương mại của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) đã hoàn thành thành công việc rà soát giữa kỳ vòng đàm phán thương mại Uruguay. Một trong những kết quả quan trọng nhất của đánh giá này là TPRM.
Vào ngày 12 tháng 4 năm 1989, Hội đồng GATT quyết định rằng TPRM sẽ được thực hiện ngay lập tức, mặc dù trên cơ sở tạm thời. Khoảng 5 năm sau, TPRM trở là một phần không thể thiếu của WTO, cơ chế này được quy định tại Phụ lục 3 của Hiệp định Marrakesh (Hiệp định thành lập WTO), được ký kết vào ngày 15 tháng 4 năm 1994.
Cho đến năm 1995, Đánh giá Chính sách Thương mại (TPRs) chỉ tập trung vào thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, sau khi WTO được thành lập vào năm 1995, phạm vi của Rà soát đã được mở rộng, bao gồm thương mại dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ.
Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại
Như đã nêu trong Hiệp định Marrakesh, mục đích của TPRM là “góp phần cải thiện sự tuân thủ của tất cả các Thành viên đối với các quy tắc, quy định và cam kết được thực hiện theo các Hiệp định Thương mại Đa phương và, nếu có, các Hiệp định Thương mại Nhiều bên. Hệ thống thương mại đa phương hoạt động thuận lợi hơn, bằng cách đạt được sự minh bạch và hiểu biết hơn về các chính sách và thông lệ thương mại của các Thành viên”.
Mục tiêu của TPRM
Mục tiêu của TPRM là:
- tăng cường tính minh bạch và hiểu biết về các chính sách và thông lệ thương mại của các thành viên WTO thông qua quá trình rà soát thường xuyên. Cơ chế này tạo thành sự đánh giá khách quan, độc lập về tình hình kinh tế thương mại của các thành viên cụ thể và hoạt động như một diễn đàn, nơi có thể thảo luận về các chính sách thương mại, tìm kiếm thông tin và bày tỏ mối quan tâm;
- nâng cao chất lượng của các cuộc tranh luận công khai và giữa các chính phủ về các vấn đề thương mại – quá trình rà soát cho phép các thành viên tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan của họ về các chính sách liên quan đến thương mại. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các nước đang phát triển và kém phát triển xác định các nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật có thể được tiếp tục sau này;
- cho phép đánh giá đa phương về tác động của các chính sách của một thành viên đối với hệ thống thương mại thế giới. Quá trình này có thể hỗ trợ các chính phủ theo đuổi các cải cách chính sách thương mại, cũng có thể làm nổi bật các lĩnh vực khác của WTO chưa được quan tâm đầy đủ, do đó giúp đảm bảo các vấn đề này được giải quyết.
Gần đây, WTO đã mở rộng vai trò rà soát thương mại của mình, thường xuyên đưa ra các báo cáo rà soát các xu hướng chính sách thương mại của toàn bộ các thành viên WTO. Được đưa ra vào đầu năm 2009 sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ, các báo cáo rà soát thương mại của WTO góp phần củng cố hơn nữa các mục tiêu minh bạch của Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại. Sáu tháng một lần, WTO ban hành một báo cáo mới nêu rõ cách thức các thành viên và quan sát viên của WTO đang thực hiện một loạt các biện pháp chính sách nhằm tạo thuận lợi hoặc hạn chế thương mại.
TPR đầu tiên
Các quốc gia đầu tiên được Rà soát Chính sách Thương mại là Úc, Maroc và Hoa Kỳ. Các báo cáo này được ban hành vào ngày 16 tháng 11 năm 1989 và được thảo luận tại Hội đồng GATT lần lượt vào các ngày 12, 13 và 14 tháng 12 năm 1989.
TPRs từ năm 1989
Kể từ năm 1989, Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại – bao gồm tất cả các thành viên WTO – đã tiến hành 485 Đánh giá (tính đến cuối năm 2018), bao gồm 155 trong số 164 thành viên WTO.
Tần suất TPR thay đổi tùy theo tỷ trọng thương mại thế giới của thành viên. Theo những thay đổi đối với chu kỳ xem xét đã được thống nhất vào năm 2016, bốn thành viên lớn nhất (hiện tại là Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản) được rà soát ba năm một lần. 16 thành viên lớn nhất tiếp theo được rà soát 5 năm một lần, và các thành viên khác bảy năm một lần.
Hội nghị tại WTO
Để đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập TPRM của WTO, Ban Thư ký WTO đã tổ chức một hội nghị cấp cao vào ngày 27 tháng 11 năm 2019.
Hội nghị tập trung vào vai trò của Cơ chế trong việc đảm bảo hoạt động hiệu quả của hệ thống thương mại đa phương bằng cách nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và rà soát ở cấp độ toàn cầu.
Sự kiện cho phép trao đổi quan điểm không chính thức giữa tất cả các bên liên quan về những thành tựu đạt được trong 30 năm qua và những thách thức mà TPRM phải đối mặt. Ngoài ra, đây sẽ là cơ hội để phản ánh về mười năm thực hiện giám sát thương mại, cũng là một phần của nhiệm vụ TPRM.
Mục tiêu của hội nghị bao gồm:
- phản ánh về thực trạng của hoạt động Rà soát Chính sách Thương mại;
- đánh giá tác động và lợi ích của cơ chế minh bạch đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách thương mại của các thành viên, đặc biệt là giữa các thành viên đang phát triển và kém phát triển nhất; và
- thảo luận về các cách cải thiện Rà soát Chính sách Thương mại và các báo cáo rà soát thương mại trong tương lai.
Người dịch: Tào Thị Huệ
Nguồn: WTO, TRADE POLICY REVIEWS, 30 years of the Trade Policy Review Mechanism, https://www.wto.org/english/tratop_e/tpr_e/tprm30_e.htm, truy cập ngày 1/7/2021