Tăng hiệu quả làm việc – bài học từ cuốn sách “Tổ chức công việc gia đình – Phương pháp xây dựng gia đình bền vững và hạnh phúc”
Nếu chỉ đi làm, không quan tâm đến gia đình, đặc biệt là gia đình riêng của mình, cuộc sống rồi cũng thật trống rỗng. Nếu chỉ chuyên tâm lo việc gia đình, cũng có thể mang đến hậu quả phụ thuộc. Vì vậy, cân bằng vừa là đích đến, vừa là phương pháp để có gia đình bền vững và hạnh phúc.
Tăng hiệu quả làm việc – bài học từ cuốn sách “Tổ chức công việc gia đình – Phương pháp xây dựng gia đình bền vững và hạnh phúc”
Cảm nghĩ của người đọc: Tào Thị Huệ
Theo quan sát của cá nhân tôi, mọi người dù là phụ nữ hay đàn ông, họ đều có chung mối quan tâm về sự cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình. Nếu chỉ đi làm, không quan tâm đến gia đình, đặc biệt là gia đình riêng của mình, cuộc sống rồi cũng thật trống rỗng. Nếu chỉ chuyên tâm lo việc gia đình, cũng có thể mang đến hậu quả phụ thuộc. Vì vậy, cân bằng vừa là đích đến, vừa là phương pháp để có gia đình bền vững và hạnh phúc.
Mặc dù, bối cảnh tác giả Nguyễn Hiến Lê viết cuốn sách Tổ chức công việc gia đình – Phương pháp xây dựng gia đình bền vững và hạnh phúc từ năm 1953, đã khác với hiện tại – năm 2020. Nhưng những gì viết trong cuốn sách vẫn mang đến cho tôi nhiều niềm cảm hứng, và thấy nhiều bài học thú vị cho mình.
Thứ nhất, làm gì cũng phải yêu thích, kể cả việc nhà. Nếu bạn chưa thích lắm, thì hãy làm cho mình thích. Công việc dù buồn nản đến đâu, ta cũng có cách làm cho nó hoá ra thú vị.
Thứ hai, làm việc gì cũng phải có kế hoạch. Tác giả đã có đoạn viết thật thú vị: “Trời chỉ ban cho bà mỗi ngày 24 giờ. Dù bà có quyền cao, chức trọng, đạo đức, tài năng, bà cũng không thể xin Trời ban thêm được lấy nửa phút. Bà đã bao giờ nghĩ cách tiêu số vốn thời giờ đó sao cho khỏi phí và có lợi như bà thường tính toán kỹ lưỡng mỗi khi mang một số tiền đi chợ chưa? Khoa học tổ chức giúp bà tiết kiệm thời giờ, và do đó, tiết kiệm sức lực, tiền bạc. Người văn minh là người biết quý, và khéo dùng thời giờ của mình.” Thời gian là vàng. Ai cũng biết điều đó, nhưng không phải ai cũng lưu tâm vận dụng. Dù việc gia đình, hay công việc ở cơ quan. Ngày hôm trước, hãy lên kế hoạch cho những công việc quan trọng của ngày hôm sau. Hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Nhưng lưu ý nhé, những công việc quan trọng, cũng không nên vượt quá 3. Bởi, không ai có thể làm tốt tất cả mọi việc.
Thứ ba, nghỉ trước khi thấy mệt. Văn hoá công sở làm con người miệt mài ngồi, triền miên ngồi rất nhiều tiếng đồng hồ, không đứng lên. Và cuối ngày thì ôi thôi, mệt và mệt. Sở dĩ mệt, vì bắp thịt và gân co lại hoặc căng thẳng quá lâu. Muốn bớt mệt, hãy làm việc theo nhịp điệu riêng của cơ thể mình. Cách nghỉ không chỉ có nằm, không chỉ có ngủ. Có thể nhìn mây, nhìn trời, nhìn nước, hoặc chơi với trẻ. Nghỉ 5 – 10 phút hoặc lâu hơn, tuỳ hoàn cảnh.
Thứ tư, giản dị. Khoa học luôn nhằm đơn giản hoá. Ta cũng nên giản dị hoá công việc và đời sống trong gia đình. Chúng ta thời nay, tất cả từ sáng tới tối, không lúc nào rảnh óc, dễ sinh gắt gỏng, đau gan, đau bao tử, đau tim, mất ngủ, kém ăn, là tại sao? Tại ta muốn thoả mãn hết những vật dụng mỗi ngày một tăng của ta. Vậy, hãy cứ mạnh bạo làm theo “mốt” mới là “mốt” giản dị.
Thông tin cuốn sách: Tổ chức công việc gia đình – Phương pháp xây dựng gia đình bền vững và hạnh phúc
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
Nxb: Hồng Đức
Năm phát hành: 2018