MẠN ĐÀM VỀ CHỦ TRƯƠNG VÔ VI CỦA TRANG TỬ (KỲ 1)
Trang Tử (369 – 286 tr.CN) tên Chu, người nước Tống. Cuốn sách Ông để lại cho đời là cuốn NAM HOA KINH được coi là VƯỜN SƠN trong kho tàng cổ thư của Trung Quốc.
Ta dạo qua thiên thứ nhất của NAM HOA KINH – thiên TIÊU DAO DU.
Có loài chim BẰNG, lưng của nó rộng không biết mấy nghìn dặm. Vùng dậy bay, cánh của nó như đám mây rủ ngang trời. Khi BẰNG bay sang bể Nam (còn gọi là Ao Trời), nước sóng sánh ba nghìn dặm. Nó liệng theo gió lốc mà lên cao chín muôn dặm. Lên chín muôn dặm thì gió ở dưới rồi. Bấy giờ nó mới gây gió. Lưng đội trời xanh mà không vướng bận mình. Bây giờ nó mới tính việc sang Nam.
Con ve cùng con cưu mới ra ràng cười rằng: “Ta vùng dậy mà bay, rục vào đám bụi cây du, phường, hoặc khi không tới thì nhào xuống đất mà thôi. Có cần gì mà phải vượt muôn dặm sang Nam mà làm gì”.
Thày Trang nói: Hai giống ấy biết gì! Trí nhỏ không theo kịp Trí lớn! Tuổi nhỏ không theo kịp tuổi lớn! Đó là chỗ phân biệt lớnvà nhỏ.
Cho nên, những kẻ, trí làm nổi một viên quan; nết hơn trong một làng; đức hợp với một vua mà được lòng tin của cả một nước. Họ đã lấy làm tự đắc. Vậy mà thày Vinh nước Tống mủm mỉm cười họ… Với thày Vinh, đem cả đời mà khen, thày không nức lòng thêm, đem cả đời mà chê, thày cũng không bận lòng thêm. Định được trong, ngoài; rõ được vinh, nhục – thế mà thôi. Hạng người ấy chưa dễ thường có.
Tuy vậy, vẫn chỉ biết tự thủ mà thôi. Kìa thày Liệt cưỡi gió mà đi, mát rời rợi. Một tuần lẻ năm ngày mới trở về. Hạng có phúcnhư thày chưa dễ đã từng có. Thày tuy không phải đi, song vẫn còn cái phải lệ thuộc.
Phải kể đến những kẻ cưỡi lẽ chính của trời, đất, chế ngự sự biến đổi của sáu khíđể sang chơi với cõi vô cùng, họ có phụ thuộc gì đâu. Cho nên, mới nói: chí nhân không biết có mình, thần nhân không biết có công, thánh nhân không biết có danh.
Kiên Ngô hỏi Liên Thúc:
– Tôi nghe lời nói của Tiếp Dư, trên núi Rưởu Cô Dịch có thần nhân, da thịt như băng tuyết, thơ ngây như gái chưa chồng, không ăn năm loài thóc, hút gió, uống sương, cưỡi khí mây, ngự rồng bay mà chơi ở ngoài bốn bể. Thần nhân ấy, định thần lại thì mọi vật không đau ốm, lúa được mùa,… Tôi cho thế là nhảm, chứ không tin.
Liên Thúc nói:
– Ừ! Kẻ mù không có cách gì dự xem về văn hoa. Kẻ điếc không có cách gì dự nghe tiếng chuông, trống. Trí con người cũng có cái đó. Lời nói ấy của anh cũng như thế đấy. Còn như thần nhân ấy, đức cao ấy, sẽ chung đúc muôn vật. Thần nhân ấy, chẳng lo việc như trần tục chúng ta, cũng chẳng loài nào hại nổi. Bể lớn liền trời cũng không đuối. Nắng lớn, vàng, đá chẩy, núi đất sém mà không nóng. Những bụi, mẳn, tấm, cám của người ấy cũng đúc rèn được Nghiêu, Thuấn.
Thày Huệ kể với thày Trang:
– Vua nước Ngụy đưa giống dưa lớn. Tôi trồng nó thành cây, ra quả nặng năm thạch. Đem đựng nước, nó nặng, một mình không thể nhấc được. Bổ nó ra làm cái bầu thì mảnh vỏ không đựng được vật gì. Nó to kếch xù mà vô dụng!
Thày Trang nói:
– Thế là nhà thày vụng về chỗ dùng cái lớn. Người nước Tống có kẻ khéo làm thứ thuốc không cóng tay, đời đời chuyên làm nghề phiếu bông. Có người khách nghe chuyện, xin mua phương ấy năm trăm lạng vàng. Hắn bèn họp cả họ mà bàn: “Chúng ta đời đời làm nghề phiếu bông, lời chẳng qua vài lạng. Nay một sớm mà bán nghề ấy lấy năm trăm lạng, xin cho hắn”. Khách được phương thuốc, sang du thuyết vua Ngô. Nước Việt có nạn, vua Ngô sai hắn làm tướng. Mùa đông, đánh nhau với người Việt, người Việt thua to. Vua Ngô xẻ đất mà phong cho hắn… Cùng một phương thuốc làm khỏi cóng tay, kẻ thì lẩn quẩn trong nghề phiếu bông, kẻ thì được phong. Cái khác đó là cách dùng. Nay thày có quả dưa năm thạch, sao không nghĩ cách làm cái tô lớn để chơi phiếm trên sông, hồ? Mà lại lo mảnh vỏ nó không làm được gì. Thì ra lòng thày đặc như bí vậy!
Thày Huệ bảo thày Trang:
– Tôi có cây gốc lớn, gọi là cây vu. Gốc nó lớn xù xì không đúng dây mực, cành nó khùng khuỳu không đúng khuôn mẫu. Dựng nó ra đường, thợ mộc không thèm nhìn. Lớn đấy mà vô dụng, nên chúng đều bỏ cả.
Thày Trang bảo thày Huệ:
– Thày không thấy con cầy sao? Rình mò các con vật đi rong. Co mình đứng nấp. Vồ đông, vồ tây, chẳng kể cao, thấp. Thế mà mắc vào cạm, chết trong lưới rập.
Đến như loài trâu sồm, to như đám mây ngang trời. Kể thật là to, nhưng … lại không biết bắt chuột. Nay thầy có cây lớn, lo nó vô dụng, sao không: trồng sang làng không có đâu, giữa cánh nội thật rộng rãi. Nó sẽ không chết yểu dưới búa, rìu, cũng không có giống gì làm hại.Tiêu dao, ta nằm khểnh ở dưới.
Dạo mấy bước ở thiên đầu tiên của NAM HOA KINH, ta nhận thấy ngay thày Trang, tiếng là vô vi, là chơi, nhưng không phải là không làm gì. Thậm chí ngược lại, Thày có quan điểm phải làm việc và phải làm việc lớn, làm việc thật lớnvớichí và trí lớn vô cùng. Chí đó là chí bao trùm vũ trụ, với trí tuệ siêu phàm để đạt được những điều phi thường. Và điều quan trọng mà thày Trang gửi gắm là hãy quên mình mà làm việc lớn cho đời, không kể công, không vì danh.
Tác giả: Tào Tuấn Sửu
Email: [email protected]
____________________
Tài liệu tham khảo:
– Trang Tử Nam Hoa kinh – bản dịch của Nhượng Tống – NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC – TRUNG TÂM VĂN HÓA NGÔN NGỮ ĐÔNG TÂY – 2001, in theo bản in của Nhà xuất bản Tân Việt, Hà Nội, 1944.