Các căn cứ khiếu kiện trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO
Lợi ích của một thành viên WTO có được từ GATT bị vô hiệu hóa hoặc vi phạm là hậu quả của việc một thành viên khác không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của GATT. Cho đến nay, đây là loại khiếu kiện phổ biến nhất tại WTO.
Các căn cứ khiếu kiện trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO
Khoản 1 Điều XXIII GATT quy định:
“1. Trong trường hợp một bên ký kết nhận thấy lợi ích thu được một cách trực tiếp hay gián tiếp từ Hiệp định này bị vô hiệu hay vi phạm và việc thực hiện một trong các mục tiêu của Hiệp định vì thế bị cản trở là kết quả của:
a) một bên ký kết không hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Hiệp định này; hoặc
b) một bên ký kết khác áp dụng một biện pháp nào đó, dù biện pháp này có trái với quy định của Hiệp định này hay không;
c)sự tồn tại một tình huống bất kỳ nào khác.
để có thể giải quyết thoả đáng vấn đề, Bên ký kết đó có thể nêu vấn đề hay đề nghị bằng văn bản với bên kia hay với (các) bên ký kết khác, được coi là liên quan. Khi được yêu cầu như vậy mọi bên ký kết sẽ quan tâm xem xét những vấn đề đã được nêu lên.”
Theo đó, một tranh chấp trong lĩnh vực thương mại hàng hóa giữa các thành viên WTO sẽ phát sinh dựa trên ba căn cứ khiếu kiện:
– Loại căn cứ khiếu kiện đầu tiên tại điểm a khoản 1 Điều XXIII GATT thường được gọi là “khiếu kiện vi phạm” (“violation complaint”). Lợi ích của một thành viên WTO có được từ GATT bị vô hiệu hóa hoặc vi phạm là hậu quả của việc một thành viên khác không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của GATT. Cho đến nay, đây là loại khiếu kiện phổ biến nhất tại WTO.
– Loại căn cứu khiếu kiện thứ hai quy định tại điểm b khoản 1 Điều XXIII GATT thường được gọi là “khiếu kiện không vi phạm” (“non-violation complaint”). Thành viên WTO có thể sử dụng căn cứ “khiếu kiện không vi phạm” để khiếu kiện bất kỳ biện pháp nào được áp dụng bởi thành viên WTO, ngay cả khi biện pháp đó không mâu thuẫn với quy định của GATT, với điều kiện là nó dẫn đến “vô hiệu hoặc suy giảm lợi ích” có được từ GATT.
– Loại căn cứ khiếu nại thứ ba quy định tại điểm b khoản 1 Điều XXIII GATT thường được gọi là “khiếu nại tình huống” (“situation complaint”). Hiểu theo nghĩa đen, nó có thể bao gồm mọi tình huống, miễn là tình huống đó làm vô hiệu hóa hoặc làm suy giảm lợi ích” có được từ GATT.
Nguyên đơn chỉ có thể dựa vào căn cứ tại điểm a, hoặc điểm b, hoặc điểm c của khoản 1 Điều XXIII GATT để khiếu kiện, mà không thể lựa chọn đồng thời cả hai, hoặc cả ba căn cứ cùng lúc.[1] Và đương nhiên, một trong ba căn cứ trong khoản 1 Điều XXIII GATT phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả một bên ký kết nhận thấy lợi ích thu được một cách trực tiếp hay gián tiếp từ Hiệp định này bị vô hiệu hay vi phạm và việc thực hiện một trong các mục tiêu của Hiệp định vì thế bị cản trở.
Như vậy, theo quy định khoản 1 Điều XXIII GATT nêu trên, phạm vi tranh chấp thương mại quốc tế được giải quyết trong khuôn khổ WTO sẽ không chỉ giới hạn trong việc xét xử các biện pháp vi phạm cam kết của thành viên WTO, mà kể cả các biện pháp không vi phạm, hoặc sự xuất hiện của một “tình huống”. Tuy nhiên, các căn cứ để khiếu kiện phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho thành viên WTO khác, đó là lợi ích thu được một cách trực tiếp hay gián tiếp từ Hiệp định này bị vô hiệu hay vi phạm và việc thực hiện một trong các mục tiêu của Hiệp định vì thế bị cản trở.