Ngoại lệ chung của GATT
"Ngoại lệ chung" được quy định tại Điều XX cho phép thành viên WTO thực hiện các biện pháp vi phạm quy định của GATT 1994, nhưng không bị coi là bất hợp pháp:
Ngoại lệ chung của GATT
Trong khuôn khổ WTO, GATT hay GATT 1994 là tên viết tắt của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại ra đời sau vòng đàm phán Uruguay (1986 – 1994). GATT là hiệp định nền tảng của WTO, điều chỉnh lĩnh vực thương mại hàng hóa, với mục tiêu nâng cao mức sống, đảm bảo đầy đủ việc làm và thu nhập thực tế và thu nhập thực cao và tăng trưởng vững chắc, sử dụng đầy đủ và tốt hơn nguồn lực của thế giới và mở mang sản xuất và trao đổi hàng hoá, thông qua các quy định đối với các nước thành viên về đàm phán giảm mạnh thuế quan và các trở ngại thương mại khác và hướng tới triệt tiêu sự phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế. Đồng thời, GATT 1994 cũng quy định một số trường hợp ngoại lệ, trong đó có “Ngoại lệ chung” được quy định tại Điều XX cho phép thành viên WTO thực hiện các biện pháp vi phạm quy định của GATT 1994, nhưng không bị coi là bất hợp pháp:
“Điều XX.Các ngoại lệ chung
Với bảo lưu rằng các biện pháp đề cập ở đây không được theo cách tạo ra công cụ phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý giữa các nước có cùng điều kiện như nhau, hay tạo ra một sự hạn chế trá hình với thương mại quốc tế, không có quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản bất kỳ bên ký kết nào thi hành hay áp dụng các biện pháp:
a) cần thiết để bảo vệ đạo đức công cộng;
b) cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật hay thực vật;
c) liên quan đến xuất hoặc nhập khẩu vàng và bạc;
d) cần thiết để bảo đảm sự tôn trọng pháp luật và các quy tắc không trái với các quy định của Hiệp định này, ví dụ như các quy định liên quan tới việc áp dụng các biện pháp hải quan, duy trì hiệu lực của chính sách độc quyền tuân thủ đúng theo khoản 4 Điều II và Điều XVII, liên quan tới bảo hộ bản quyền, nhãn hiệu thương mại và quyền tác giả và các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa các hành vi thương mại gian lận;
e) liên quan tới các sản phẩm sử dụng lao động của tù nhân;
f) áp đặt để bảo vệ di sản quốc gia có giá trị nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ;
g) liên quan tới việc gìn giữ nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt, nếu các biện pháp đó cũng được áp dụng hạn chế cả với sản xuất và tiêu dùng trong nước;
h) được thi hành theo nghĩa vụ của một hiệp định liên chính phủ về một hàng hoá cơ sở ký kết phù hợp với các tiêu thức đã trình ra Các Bên Ký Kết và không bị Các Bên phản đối hay chính hiệp định đó đã trình ra Các Bên Ký Kết và không bị các bên bác bỏ.*
i) bao hàm các hạn chế với xuất khẩu nguyên liệu do trong nước sản xuất và cần thiết có đủ số lượng thiết yếu nguyên liệu đó để đảm bảo hoạt động chế tác trong thời kỳ giá nội được duy trì dưới giá ngoại nhằm thực hiện một kế hoạch ổn định kinh tế của chính phủ, với bảo lưu rằng các hạn chế đó không dẫn tới tăng xuất khẩu hay tăng cường mức bảo hộ với ngành công nghiệp trong nước và không vi phạm các quy định của Hiệp định này về không phân biệt đối xử;
j) thiết yếu để có được hay phân phối một sản phẩm thuộc diện khan hiếm trong cả nước hay tại một địa phương; tuy nhiên các biện pháp đó phải tương thích với các nguyên tắc theo đó mỗi bên ký kết phải có một phần công bằng trong việc quốc tế cung cấp các sản phẩm đó và các biện pháp không tương thích với các quy định khác của Hiệp định này sẽ được xoá bỏ ngay khi hoàn cảnh dẫn tới lý do áp dụng đã không còn tồn tại nữa. Ngày 30 tháng 6 năm 1960 là muộn nhất Các Bên Ký Kết sẽ xem xét lại tính cần thiết của quy định thuộc tiểu khoản này.”
Với cấu trúc như trên, Điều XX của GATT bao gồm một đoạn giới thiệu, thường được gọi là Đoạn mở đầu (chapeau) và liệt kê 10 điểm từ điểm (a) đến (j) thường được gọi là đoạn (subparagraph). Trong đó, điểm a, b, d và g thường được viện dẫn trong các tranh chấp trong khuôn khổ WTO hơn.[1]
Theo quy định nêu trên, thành viên WTO có thể viện dẫn ngoại lệ về đạo đức công cộng để biện minh cho một biện pháp của thành viên đó vi phạm bất kỳ quy định nào trong GATT. Cụ thể hơn, Điều XX sẽ chỉ được viện dẫn, khi thành viên WTO đã có vi phạm trực tiếp nghĩa vụ trong GATT.[2]
Song, nội dung Điều XX của GATT nói chung được nhận định là “quá rộng và không rõ ràng”, dẫn đến khả năng các bên tham gia Hiệp định có thể dễ dàng “thoát” khỏi nghĩa vụ của mình bằng cách viện dẫn Điều XX.[3] WTO không có giải thích thống nhất về nội dung cũng như cách thức áp dụng Điều XX của GATT. Vì vậy, để có thể hiểu nội dụng và cách thức áp dụng Điều XX của GATT cần nghiên cứu các án lệ liên quan trong khuôn khổ WTO./.
[1] Xem: Hanoi Law University (2017), Textbook International Trade and Business Law, People’s Public Security Publishing House, Hanoi, (Giáo trình song ngữ Anh-Việt do EU tài trợ trong khuôn khổ Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III), trang 670, 671 và footnote 168; Mitchell, Andrew D. and Ayres, Glyn, “General and Security Exceptions Under the GATT and the GATS” (October, 30 2011), INTERNATIONAL TRADE LAW AND WTO, Indira Carr, Jahid Bhuiyan and Shawkat Alam, eds., Federation Press, 2012, p.227, 228, xem tại: https://www.researchgate.net/publication/324167607_General_and_Security_Exceptions_under_the_GATT_1994_and_the_GATS (truy cập ngày 15/5/2019)
[2] Christoph T. Feddersen, “Focusing on Substantive Law in International Economic Relations: The Public Morals of GATT’s Article XX(a) and Conventional Rules of Interpretation”, Minnesota Journal of International Law [Vol. 7:75 1998], p. 93.
[3] TLđd, Christoph T. Feddersen, p. 84
Người viết: Tào Thị Huệ