THAM DỰ HỘI THẢO CẤP TRƯỜNG “PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ”
Toà án điện tử được áp dụng toàn diện, trong đó, sử dụng công nghệ kỹ thuật số không chỉ ở một số khía cạnh như nộp đơn, tống đạt tài liệu, thu thập chứng cứ, tổ chức các phiên họp, phiên tòa mà là trong hầu như tất cả các hoạt động của tòa án.
THAM DỰ HỘI THẢO CẤP TRƯỜNG “PHÁP LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ”
Sáng thứ 4 ngày 23/10/2024, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Pháp luật thương mại quốc tế trong bối cảnh chuyển đổi số”.
Tác giả Tào Thị Huệ đã vinh dự được tham dự và trình bày báo cáo “Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng Toà án điện tử tại một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam”(đồng tác giả với ThS. Nguyễn Minh Huyền – Khoa Pháp luật thương mại quốc tế). Trong báo cáo, nhóm tác giả nghiên cứu thực tiễn tại hai quốc gia là Đức và Trung Quốc.
Nhóm tác giả đặc biệt ấn tượng với thực tiễn tại Trung Quốc. Toà án điện tử được áp dụng toàn diện, trong đó, sử dụng công nghệ kỹ thuật số không chỉ ở một số khía cạnh như nộp đơn, tống đạt tài liệu, thu thập chứng cứ, tổ chức các phiên họp, phiên tòa mà là trong hầu như tất cả các hoạt động của tòa án. Ba toà án điện tử đầu tiên được thành lập, gồm có: Toà án điện tử Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (8/2017), Toà án điện tử Bắc Kinh, Toà án điện tử Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (9/2018).
Để có cơ sở pháp lý thống nhất điều chỉnh hoạt động tố tụng tại ba Toà án điện tử này, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và người tham gia tố tụng khác, Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc (SPC) đã ban hành Quy chế của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan đến xét xử vụ án của Tòa án điện tử ngày 09/6/2018. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 09/7/2018. Quy định thẩm quyền của ba Toà án điện tử nói trên là giải quyết các tranh chấp thương mại điện tử (Điều 2).
Về Cách thức tham gia tố tụng tại Toà án điện tử: Khi các bên và những người tham gia tố tụng khác sử dụng nền tảng tố tụng để thực hiện hành vi tố tụng, họ phải hoàn tất các phương pháp xác minh danh tính trực tuyến như: so sánh giấy tờ tùy thân, nhận dạng đặc điểm sinh trắc học hoặc nền tảng xác minh danh tính quốc gia và nhận được một tài khoản đặc biệt để đăng nhập vào nền tảng tố tụng.
Với hình thức trực tuyến, Tòa án điện tử của Trung Quốc có thể xét xử các vụ án bất kể các bên liên quan ở đâu. Tuy nhiên, người nước ngoài muốn đăng ký tài khoản tại toà án điện tử để nộp đơn kiện có thể gặp khó khăn, chẳng hạn khi tham gia tố tụng trên trang web của Toà án điện tử Quảng Châu:
– Cần có số điện thoại di động Trung Quốc đại lục để đăng ký tài khoản trên trang web của Tòa án điện tử.
– Ngoài ra, người nộp đơn kiện phải trải qua xác thực tên thật trực tuyến. Hiện tại, xác thực trực tuyến chủ yếu được thực hiện thông qua ba phương pháp: WeChat, Alipay và Nhận dạng khuôn mặt khớp với ảnh trong hệ thống thẻ căn cước của Trung Quốc. Ba phương pháp này có thể khiến Tòa án điện tử xác thực được danh tính thực của người dùng đã đăng ký. Người nước ngoài thường không có tài khoản WeChat hoặc Alipay liên kết với tài khoản ngân hàng Trung Quốc, cũng không có thông tin hoặc ảnh của họ trong hệ thống thẻ căn cước công dân của Trung Quốc, do đó, người nước ngoài không thể hoàn tất xác thực trực tuyến.